Nâng cao quyền năng phụ nữ từ dự án của Tổ chức Bánh mì cho thế giới

Dự án 'Phòng chống mua bán người' giai đoạn 1 do Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, đã giúp phụ nữ vùng dễ tổn thương nâng cao nhận thức, quyền năng, tiếp cận sinh kế bền vững và tự tin vươn lên.

Triển khai từ đầu năm 2022 tại 6 xã, thị trấn thuộc các huyện cũ gồm: Mỹ Lộc, thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc); Ích Hậu, Thịnh Lộc (Thạch Hà); Kỳ Phong, Kỳ Xuân (Kỳ Anh), dự án có tổng số tiền thực hiện 240.000 EUR (tương đương trên 6 tỷ VNĐ; trong đó, Tổ chức Bánh mì cho thế giới tài trợ 185.000 EUR và UBND tỉnh Hà Tĩnh đối ứng 55.000 EUR).

Dự án tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, thanh niên thất nghiệp, người có ý định di cư lao động. Bên cạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, dự án đặc biệt chú trọng hỗ trợ sinh kế, giúp nhiều hội viên ổn định đời sống, từng bước làm chủ tương lai ngay trên mảnh đất quê nhà.

 Các thành viên trong BQL dự án "Phòng chống mua bán người" giai đoạn 1 (xã Đông Kinh) kiểm tra mô hình sinh kế của bà Lê Thị Hồng ở thôn Phù Ích (thuộc xã Ích Hậu cũ).

Các thành viên trong BQL dự án "Phòng chống mua bán người" giai đoạn 1 (xã Đông Kinh) kiểm tra mô hình sinh kế của bà Lê Thị Hồng ở thôn Phù Ích (thuộc xã Ích Hậu cũ).

Ở thôn Phù Ích, xã Đông Kinh (Ích Hậu cũ), bà Lê Thị Hồng (70 tuổi) từng nghĩ đến việc vào miền Nam làm giúp việc sau khi chồng và con trai mất sớm, để lại cháu nhỏ đang tuổi thiếu niên. Năm 2022, bà được dự án cấp một con bò giống đang mang thai. Sau hơn 3 năm, bò mẹ đã sinh 4 lứa, trong đó ngoài 1 con bê được chuyển giao cho hộ khác theo quy định dự án, 3 con còn lại mang về cho bà 34 triệu đồng. Không cần phải rời quê, bà Hồng đã có sinh kế ổn định để nuôi cháu nhỏ. Cũng tại thôn Phù Ích, bà Hồ Thị Quyến (56 tuổi) được cấp bò giống từ dự án. Sau 3 năm, bà đã có đàn bò 6 con. Từ một hộ nghèo, gia đình bà nay đã vươn lên ổn định, tự chủ kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Loan - cán bộ Văn phòng Ủy ban MTTQ kiêm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Kinh cho biết: “Dự án không chỉ giúp hàng nghìn người trên địa bàn được nâng cao nhận thức về các hành vi mua bán người, di cư an toàn mà đến nay đã có 38 hội viên phụ nữ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế bò giống. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống, có sinh kế bền vững”.

 Đàn bò đông đúc của bà Hồ Thị Quyến (thôn Phù ích, xã Đông Kinh) được nhân giống từ mô hình sinh kế bò giống ban đầu của dự án.

Đàn bò đông đúc của bà Hồ Thị Quyến (thôn Phù ích, xã Đông Kinh) được nhân giống từ mô hình sinh kế bò giống ban đầu của dự án.

Giai đoạn 1 của dự án đã trao 150 con bò giống cho 150 hộ dân tại 4 xã cũ Kỳ Phong (nay là xã Kỳ Xuân), Ích Hậu (nay là xã Đông Kinh), Mỹ Lộc, thị trấn Đồng Lộc (nay là xã Đồng Lộc), tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thành lập 4 tổ hợp tác để các hộ cùng hỗ trợ nhau phát triển mô hình. Bên cạnh đó, trao 2.040 con gà giống cùng thức ăn, thuốc thú y cho 40 hộ dân ở xã Kỳ Xuân cũ (nay là xã Kỳ Xuân) và Thịnh Lộc cũ (nay là xã Lộc Hà). Nhiều gia đình sau khi được hỗ trợ mô hình sinh kế gà đã tái đàn, phát triển chăn nuôi gà thịt, đạt mức thu từ mô hình bình quân 13-17 triệu đồng/hộ/năm.

 Hội LHPN tỉnh đã trao 20 mô hình sinh kế gà giống trị giá 98 triệu đồng từ dự án của Tổ chức Bánh mì cho thế giới, cho 20 hội viên phụ nữ nghèo tại xã Kỳ Xuân cũ, dịp cuối năm 2023.

Hội LHPN tỉnh đã trao 20 mô hình sinh kế gà giống trị giá 98 triệu đồng từ dự án của Tổ chức Bánh mì cho thế giới, cho 20 hội viên phụ nữ nghèo tại xã Kỳ Xuân cũ, dịp cuối năm 2023.

Bên cạnh, hỗ trợ sinh kế để giúp phụ nữ và các hộ nghèo, cận nghèo từng bước ổn định cuộc sống, mục đích quan trọng của dự án là truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và các hội viên phụ nữ về các hành vi mua bán người, di cư trái phép… Với phương châm lấy tuyên truyền làm gốc, chỉ trong vòng hơn 3 năm, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh đã tổ chức hơn 264 cuộc truyền thông nhỏ với nhiều hình thức tại 44 thôn và trường học trên các địa bàn, thu hút trên 13.000 lượt người dân tham gia. Đồng thời, thành lập và duy trì hiệu quả 6 CLB “Di cư an toàn” với gần 200 thành viên.

Đánh giá từ khảo sát của đoàn cán bộ Tổ chức Bánh mì cho thế giới tại Việt Nam và Lào dịp cuối năm 2024 ghi rõ: có 91% người được hỏi hiểu rõ về khái niệm mua bán người, 95% nắm được các thủ đoạn và cách bảo vệ bản thân, trong khi 98% đánh giá các hoạt động truyền thông là thiết thực và hữu ích. Những con số ấn tượng ấy không chỉ cho thấy hiệu quả truyền thông mà còn phản ánh sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân từ dự án mang lại.

 Một chương trình truyền thông của dự án do Hội LHPN tỉnh tổ chức thực hiện tại huyện Lộc Hà cũ năm 2024.

Một chương trình truyền thông của dự án do Hội LHPN tỉnh tổ chức thực hiện tại huyện Lộc Hà cũ năm 2024.

Từ hiệu quả rõ rệt của giai đoạn 1, Tổ chức Bánh mì cho thế giới đã đồng ý và UBND tỉnh chấp thuận cho Hội LHPN tỉnh triển khai dự án giai đoạn 2 (2025-2027), tại 9 xã cũ, nay là 7 xã mới gồm: Kỳ Anh, Kỳ Khang, Can Lộc, Tùng Lộc, Gia Hanh, Hồng Lộc, Mai Phụ. Dự kiến, sẽ được Hội LHPN tỉnh bắt đầu thực hiện vào cuối tháng 7/2025.

Dự án sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động phòng chống mua bán người, hỗ trợ sinh kế và mở rộng các mô hình tư vấn, truyền thông cộng đồng cho người dân. Cùng đó, các cấp hội phụ nữ cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là duy trì hiệu quả các mô hình hiện có, tiếp tục lồng ghép truyền thông về di cư an toàn trong các chương trình công tác hội, đặc biệt là hướng nghiệp cho học sinh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp...

Qua đó, tạo ra nhiều cơ hội để phụ nữ ở những địa bàn dễ tổn thương được nâng cao nhận thức, tăng quyền năng, tiếp cận sinh kế bền vững

Bà Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo và Công tác xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nang-cao-quyen-nang-phu-nu-tu-du-an-cua-to-chuc-banh-mi-cho-the-gioi-post291221.html