Nâng cao thể trạng từ việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ

Dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em. Tuy nhiên, tại tỉnh miền núi như Điện Biên, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn khiến công tác chăm sóc cho trẻ em gặp không ít rào cản. Khắc phục tình trạng này, hàng năm các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và tầm vóc cho trẻ.

Là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Nà Tấu, bản Nặm Cứm không chỉ thiếu thốn về điều kiện kinh tế mà còn là nơi nhiều hộ đông con, cuộc sống chật vật từng bữa. Gia đình chị Vàng Thị Dung có 4 người con, thì 2 cháu từng bị suy dinh dưỡng. Trước đây, do thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi con nhỏ, chị không chú trọng chế độ ăn khi mang thai, cũng không đi khám định kỳ. Khi các con lớn dần, chị vẫn giữ thói quen cho ăn uống đơn giản, không đủ chất, khiến thể trạng yếu, chậm tăng cân, hay đau ốm.

Chị Vàng Thị Dung chia sẻ: Lúc đó gia đình cũng không biết con bị gì, chỉ thấy gầy yếu, hay ốm nên đưa đi khám. Bác sĩ bảo con bị suy dinh dưỡng, cần ăn đủ chất, uống thêm vitamin A, i-ốt… Nghe theo bác sĩ, giờ thì mình biết chăm con hơn, các con cũng đỡ ốm, gia đình mình mừng lắm…

Đại diện Chương trình vùng Mường Ảng chia sẻ về mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn các xã: Nà Tấu, Mường Ảng, Mường Lạn, Búng Lao.

Đại diện Chương trình vùng Mường Ảng chia sẻ về mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn các xã: Nà Tấu, Mường Ảng, Mường Lạn, Búng Lao.

Không chỉ ở bản Nặm Cứm, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, thiếu cân vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều xã vùng cao của tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song chủ yếu là do cách nuôi dưỡng trẻ chưa tốt, mẹ sau sinh không có sữa hoặc cho con bú không đủ và cai sữa sớm. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa nắm được kiến thức cơ bản trong phòng, chống suy dinh dưỡng; trẻ thường xuyên mắc bệnh nhiễm khuẩn nhưng không được điều trị kịp thời, dẫn đến chậm lớn, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng. Mặt khác, tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế hạn chế khiến không ít gia đình chưa đảm bảo cho con ăn đủ bữa, đủ chất; trẻ em không được bổ sung vi chất trong những năm tháng đầu đời, nhất là giai đoạn “vàng” từ 0 - 24 tháng tuổi.

Cùng với gia đình, nhà trường cũng giữ vai trò quan trọng trong việc theo dõi thể trạng, cải thiện chất lượng bữa ăn và nâng cao thể trạng cho trẻ.

Cùng với gia đình, nhà trường cũng giữ vai trò quan trọng trong việc theo dõi thể trạng, cải thiện chất lượng bữa ăn và nâng cao thể trạng cho trẻ.

Để từng bước cải thiện tình trạng này, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng thông qua việc huy động hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế (UNICEF Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam...). Từ năm 2024 đến hết quý I năm 2025, tổng kinh phí phân bổ cho các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt gần 15,3 tỷ đồng. Nguồn lực này được sử dụng để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở; xây dựng và nhân rộng mô hình chăm sóc dinh dưỡng cộng đồng; hỗ trợ bổ sung vi chất cho bà mẹ và trẻ nhỏ; tổ chức truyền thông thay đổi hành vi và tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai chương trình.

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các điểm y tế cơ sở đã tích cực phối hợp với hội, đoàn thể tổ chức truyền thông, hướng dẫn kỹ năng nuôi con đúng cách, theo dõi biểu đồ tăng trưởng, tư vấn chế độ ăn phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em đang từng bước được nâng lên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Ảng cho biết, những năm gần đây, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn các xã: Mường Lạn, Mường Ảng, Nà Tấu, Búng Lao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song tỷ lệ thấp còi vẫn ở mức cao (xấp xỉ cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị ảnh hưởng). Chưa kể tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, kẽm, sắt và thiếu máu vẫn khá phổ biến. Chính vì vậy, hàng năm, đơn vị thường xuyên kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe trẻ em ngay từ những năm đầu đời.

Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được nhiều tổ chức chính trị - xã hội tặng các phần quà với chủ đề "Dinh dưỡng cho trẻ nghèo, khuyết tật".

Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được nhiều tổ chức chính trị - xã hội tặng các phần quà với chủ đề "Dinh dưỡng cho trẻ nghèo, khuyết tật".

Song song các hoạt động chuyên môn, chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt tiếp tục được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, ngành Y tế tập trung hỗ trợ phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác truyền thông cũng được tăng cường, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của khám thai định kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chế độ ăn bổ sung hợp lý theo từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2025, toàn tỉnh có gần 100% trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được bổ sung vitamin A; trên 98% trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi được tẩy giun... qua đó góp phần quan trọng cải thiện tình trạng thiếu vi chất, tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành Y tế và nỗ lực từ cơ sở, công tác cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình can thiệp ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, nhất là tại các xã vùng cao, nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho trẻ uống vitamin A trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2025.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho trẻ uống vitamin A trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2025.

"Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trong tổng số 62.243 trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh có 14,7% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (theo chỉ số cân nặng/tuổi); 24,5% trẻ bị thấp còi và 2,5% trẻ bị gầy còm. Đáng mừng là tất cả các chỉ số này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hiệu quả rõ rệt của các chương trình can thiệp, chăm sóc dinh dưỡng cộng đồng" - Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/vi-tre-em/nang-cao-the-trang-tu-viec-cai-thien-dinh-duong-cho-tre