Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới

Đề tài Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới do ThS. Dương Thị Bích (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT

Bài viết phân tích sự cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng; thực tiễn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên với công tác xây dựng Đảng hiện nay và đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Theo đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kịp thời rà soát, sàng lọc và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đồng thời, mỗi đảng viên cần thể hiện tính kỷ luật, tính đảng đối ngay trong nội bộ đơn vị; tham gia các hoạt động phong trào, sinh hoạt chính trị do cấp trên tổ chức; phát huy vai trò nêu gương của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng;...

Từ khóa: vai trò, trách nhiệm, đảng viên, xây dựng Đảng.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người đảng viên; là cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Một trong những nhiệm vụ của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một tiêu chí cơ bản, đầu tiên để đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm của các Chi bộ, Đảng bộ hiện nay. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Tiếp thu tinh thần đó, trên chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tình hình trong nước có cả thời cơ và thách thức đan xen, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, do đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên là một trong những yêu cầu quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

2. Sự cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đảng viên với công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với Đảng và Nhà nước ta.

Trước hết, công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt đối với mỗi cán bộ đảng viên hiện nay.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]. Tất cả đều nhờ sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và hơn hết đó là sự ủng hộ, tin tưởng, đồng tình mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam, trong đó có vai trò rất quan trọng của đội ngũ đảng viên.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ngày 10/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng…”.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng Đảng gặp nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 xảy ra đã tác động mạnh đến nước ta, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi trọng công tác xây dựng Đảng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm; Quy định số 08-QĐi/TW của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Các cấp ủy Đảng cơ quan, đơn vị xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm cụ thể của đơn vị mình, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng “thường rất khó khăn, rất phức tạp”, vì đây là “công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi người phải phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan”… Hiện nay, công tác xây dựng Đảng có vai trò, trách nhiệm rất lớn đối với từng đảng viên. Bởi, xây dựng tổ chức Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn. Nếu không thật sự tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.

3. Thực tiễn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên với công tác xây dựng Đảng hiện nay

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, đội ngũ đảng viên ở các tổ chức cơ sở Đảng đã và đang phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực sau:

Một là, hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng; thực hiện tốt quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, không dao động trước khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng cao hơn. Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm đặc biệt, trong đó, chất lượng đội ngũ đảng viên có sự chuyển biến tích cực, đổi mới, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn coi việc tự giác học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ là nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tâm, tầm, tài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, phần lớn cán bộ, đảng viên luôn nêu gương trong rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nguyên nhân của những kết quả trên là do: (1) Đảng bộ, chi bộ các cơ sở luôn bám sát Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết của Đảng, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng; nắm chắc tình hình và chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Điều lệ Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tế, trong đó công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ đảng viên là nhiệm vụ then chốt. (2) Đảng bộ, chi bộ các cơ sở thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám nhận khuyết điểm, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện để đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn. (3) Bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Điều đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vấn đề nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục:

Một là, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng tổ chức Đảng; năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng. Đây chính là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ hiện nay.

Hai là, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên ở một số tổ chức cơ sở Đảng chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt Đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa thực sự gương mẫu. Đây chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong tổ chức xây dựng Đảng.

Ba là, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên một số nơi chưa được thường xuyên, sức thuyết phục kém nên không đủ sức động viên cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng. Một số tổ chức cơ sở đảng giảm sút năng lực lãnh đạo, lúng túng về nội dung, phương thức lãnh đạo, hình thức sinh hoạt tẻ nhạt, uy tín giảm sút; việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng chất lượng, hiệu quả còn thấp, chưa đạt yêu cầu, thậm chí có nơi làm còn hình thức dẫn tới không phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của đơn vị vững mạnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, như: (1) Những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng đã ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của một số cán bộ, đảng viên. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên sống xa dân, độc đoán chuyên quyền, tham nhũng, lãng phí, không giữ được đạo đức cách mạng. Hơn nữa, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống phá Đảng, Nhà nước.

(2) Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" tại cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, vô cảm trước bức xúc của nhân dân.

(3) Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân; thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn tới phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước buộc phải xử lý... Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, đòi phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Như vậy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng hiện nay là đòi hỏi khách quan, cấp bách, nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, làm cho Đảng luôn vững mạnh.

4. Một số giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên với công tác xây dựng Đảng hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội các cấp đã xác định. Các cấp ủy cần đổi mới hình thức giáo dục chính trị tư tưởng sinh động, phong phú để đảng viên nhận thức đúng, sâu sắc nội dung này. Đẩy mạnh sự tự giác nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi đảng viên; nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự của người đảng viên. Cấp ủy chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, lắng nghe tâm tư, dư luận để kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh và yêu cầu mỗi đảng viên phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kịp thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây là giải pháp rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đảng viên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”[2]. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên theo định kỳ và đột xuất kiểm tra, giám sát đảng viên khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm kỷ luật; kiểm tra, giám sát đảng viên phải có trọng tâm, trọng điểm và tạo được sự chuyển biến tích cực về kết quả hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện.

Thứ ba, các đảng viên cần thể hiện tính kỷ luật, tính đảng ngay trong nội bộ đơn vị. Điều này thể hiện tinh thần nhất quán trong chỉ đạo của Đảng về tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Là đảng viên, chúng ta cần nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để chống lại, phản bác, đấu tranh lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày và phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Thứ tư, trong điều kiện cụ thể, mỗi đảng viên cần tham gia các hoạt động phong trào, sinh hoạt chính trị do cấp trên tổ chức, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, góp phần giúp tổ chức đảng giành thành tích đặc biệt trong các cuộc vận động.

Chẳng hạn, đảng ủy cấp trên cơ sở tổ chức cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi, với thành phần dự thi là bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên, người được quy hoạch các chức danh trên từ các tổ chức đảng cơ sở và trực thuộc, thì cần những đồng chí mạnh dạn và tích cực tham gia. Đây là dịp để học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đồng thời có thể đem lại những thành tích của tổ chức Đảng, có thể đánh giá các mức độ hoàn thành nhiệm vụ cao trong năm cho cả tổ chức Đảng và cá nhân.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, nghiêm túc, cầu thị thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương mẫu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu các cấp.

Thứ năm, từng đảng viên phải nỗ lực tham gia vào việc duy trì thành tích đã đạt được hoặc phấn đấu nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ theo từng năm.

Chẳng hạn, đối với tổ chức Đảng đã được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm trước thì năm sau phải phấn đấu giữ vững thành tích đó. Đương nhiên, ở đây không phải chạy theo thành tích, hoặc cố giữ thành tích bằng mọi giá, mà chính đó là một mục tiêu quan trọng để nỗ lực, bởi bên cạnh việc khẳng định kết quả năm trước là xứng đáng còn có ý nghĩa hướng đến các thành tích cao hơn, như tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu hoặc là tổ chức Đảng xuất sắc 5 năm liền…

Ở trường hợp ngược lại, nếu tổ chức Đảng chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thì cả tập thể cần phải phấn đấu quyết liệt để nâng cao chất lượng đánh giá, trong đó chú ý khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém của năm trước, cả tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên. Trong đó, nếu có đảng viên có khuyết điểm, chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vấn đề cần chấn chỉnh thì cả tổ chức Đảng phải giúp đỡ đảng viên đó vươn lên, đồng thời, không để hạn chế đó “lây lan” đến đảng viên khác.

Như vậy, các giải pháp này gắn liền với từng tổ chức Đảng ở cơ sở, đồng thời gắn với từng đảng viên, bởi nếu các đảng viên không tham gia hoặc vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên trong xây dựng tổ chức Đảng không được phát huy thì các giải pháp nêu trên cũng sẽ rất khó thực hiện đầy đủ.

4. Kết luận

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời nói, lời hứa, mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Bởi, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên không chỉ là bổn phận của mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên, mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, viên chức thực thụ. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên hãy phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với công việc, hoàn thành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng là vấn đề sống còn đối với toàn Đảng và toàn dân ta. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên với công tác xây dựng Đảng càng có ý nghĩa rất quan trọng, để mỗi cán bộ, đảng viên tự trau dồi, đổi mới, chỉnh đốn bản thân “để luôn xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.01

2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, tr.189-190.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành trung ương Đảng (2016), Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

2. Ban Chấp hành trung ương Đảng (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

3. Ban Chấp hành trung ương Đảng (2021), Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều đảng viên không được làm.

4. Ban Chấp hành trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

5. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Strengthening the role and responsibility of members of the Communist Party of Vietnam in the Party’s development in the new situation

Master. Duong Thi Bich

Vice Principal, Hanoi College of Industrial Economics

Abstract:

This paper analyzed the need to enhance the role and responsibility of members of the Communist Party of Vietnam in the Party’s development, the current role and responsibilities of the Party members in the Party’s development, and proposed solutions to enhance the role and responsibilities of the Party members in the new situation. It is necessary to continue to raise awareness and responsibility for officials and the Party members about the importance of the Party’s development; innovate, improve the quality and efficiency of the Party member management; inspect and supervise the performance of the Party members; and promptly review, screen, and remove members who are no longer qualified for the Party’s requirements. In addition, each party member needs to demonstrate discipline and partisanship within the unit, participate in movements and political activities organized by superiors, promote the exemplary role of the party members in the party’s development, etc.

Keywords: roles, responsibilities, Party members, building the Party.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nang-cao-vai-tro--trach-nhiem-cua-dang-vien-voi-cong-tac-xay-dung-dang-trong-tinh-hinh-moi-121888.htm