Nâng cao vị thế

Một trong những thành công dễ nhận thấy là đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với công việc trong nước.

Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng, được cụ thể hóa trong Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; và được quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ năm 2020.

Một trong những thành công dễ nhận thấy là đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với công việc trong nước. Ngoài ra, NLĐ còn được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ…

Bên cạnh những cơ hội lớn, vấn đề nâng cao chất lượng lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Điểm yếu lớn nhất là trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Trong các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao, số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.

Tại tọa đàm "Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 18-12, ngoài nhận diện những khó khăn, những bất cập trong công tác tuyển dụng, đào tạo và phái cử lao động trong bối cảnh mới; lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) phái cử cũng đã mổ xẻ, đánh giá và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sẽ không có công việc giản đơn, lương cao và đào tạo ngắn hạn. Do vậy, việc cải thiện trình độ ngoại ngữ, kỹ năng là yếu tố quan trọng để NLĐ có thể tiếp cận thị trường lao động có điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao.

Để giải quyết bài toán này, cần có sự nỗ lực từ các bên. Cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực đàm phán mở rộng và phát triển một số thị trường lao động tiềm năng, phát huy thế mạnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt công tác định hướng sau đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo. DN phái cử phải minh bạch thông tin về đối tác, môi trường làm việc, thu nhập cho NLĐ; chú trọng đào tạo cho NLĐ các kỹ năng, phương pháp làm việc để đáp ứng các thị trường lao động khắt khe; đào tạo về văn hóa, ứng xử trong môi trường làm việc; pháp luật nước sở tại. Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển chọn, đào tạo kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho NLĐ. Cuối cùng là sự vào cuộc của hệ thống chính trị, ban ngành địa phương trong việc phối hợp cùng các DN tuyên truyền, định hướng, tạo nguồn và hỗ trợ vốn cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Việc nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích cá nhân NLĐ mà còn có tác động tích cực đối với nền kinh tế quốc gia, cải thiện các kỹ năng của lực lượng lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Lao động có kỹ năng cao đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của quốc gia, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Theo Vĩnh Tùng (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nang-cao-vi-the-post304794.html