Nâng chất kiểm định giáo dục
Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, đến nay đã có gần 100% cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 1; số được công nhận ở chu kỳ 2 khoảng 50%. Tuy nhiên, còn một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chưa kiểm định lần nào là nhóm các trường đặc thù như nghệ thuật, văn hóa, hay một số trường mới mở, liên kết quốc tế…
Cơ sở kiểm định quá tải
GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, tính đến ngày 31/10/2024 đã có 2.113 chương trình đào tạo đã được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong đó, có 1.492 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 621 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài - đây là con số khá vượt trội. Như vậy, việc kiểm định đã gần hoàn thành kế hoạch đến năm 2025 mà Chính phủ giao về kiểm định chương trình.
Trước đó, trong tháng 9 vừa qua Bộ GDĐT đã công bố danh sách các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) và các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Theo đó, đã có 195 cơ sở giáo dục ĐH; 11 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước.
Ông Chương chia sẻ, hoạt động kiểm định ở Việt Nam còn khá mới, được bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2004; nhưng đến năm 2014 mới có 2 tổ chức kiểm định trong nước được thành lập và cấp phép hoạt động.
Như vậy, tính đến năm 2024, giáo dục ĐH của Việt Nam đã tròn 20 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập và 2 trung tâm kiểm định giáo dục tư nhân. Các trung tâm này có chức năng kiểm định cơ sở giáo dục cũng như chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm. Bên cạnh các trung tâm kiểm định trong nước, năm 2021 Bộ GDĐT cho phép 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm: FIBAA, AQAS và ASIIN. Năm 2022 công nhận thêm tổ chức AUN- QA.
Một thực tế cũng cho thấy, chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị trong 5 năm và nhiều trường ĐH đã hết thời gian công nhận. Số lượng cơ sở giáo dục được công nhận theo chuẩn nước ngoài chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số cơ sở được công nhận.
Xét về các trung tâm kiểm định trong nước, thì Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị kiểm định và công nhận cơ sở giáo dục, chương trình đạt chuẩn nhiều nhất. Còn Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tuy được thành lập sau, nhưng có số lượng công nhận giáo dục cũng như chương trình đạt chuẩn chất lượng khá lớn.
Từ số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục do Bộ GDĐT cung cấp cho thấy, dù có đến 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hơn 10 tổ chức kiểm định nước ngoài, nhưng các trung tâm trong nước đang trong tình trạng quá tải. Lý do, nguồn lực kiểm định viên chưa phát triển theo yêu cầu thực tế, thiếu về số lượng theo từng nhóm, khối ngành và hạn chế về kinh nghiệm.
Chú trọng tiêu chí chuẩn đầu ra
Hiện nay, Bộ GDĐT có 2 bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về kiểm định chất lượng ĐH. Với cơ sở giáo dục ĐH, phải đạt 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Với chương trình đào tạo ĐH phải đạt 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Giá trị của một lần kiểm định có thời hạn 5 năm. Khi các cơ sở ĐH đạt được kiểm định thì sẽ tăng thêm uy tín, thu hút tuyển sinh. Đặc biệt, kiểm định là điều kiện để được tự chủ. Từ đó, có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh…
Tại hội thảo tập huấn về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm vừa được tổ chức, ông Huỳnh Văn Chương nhận định hiện còn một số cơ sở giáo dục ĐH chưa kiểm định lần nào, đó là nhóm các trường đặc thù như nghệ thuật, văn hóa, hay một số trường mới mở, liên kết quốc tế… Qua rà soát kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn tại Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT, có một tỷ lệ lớn các chương trình không đáp ứng một số tiêu chí cốt lõi liên quan đến thiết kế và phát triển chương trình; đặc biệt là tiêu chí về thực hiện chuẩn đầu ra theo sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, điều kiện của nhà trường…
Do dó, năm 2025, Cục Quản lý chất lượng sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GDĐT tổ chức sơ kết “giai đoạn 1” thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg của Chính phủ – Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Cục Quản lý chất lượng khuyến khích các cơ sở giáo dục tập trung vào hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là cải tiến chương trình đào tạo, sau đó mới tiến hành kiểm định chương trình.
Tại hội thảo tập huấn về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm mới đây, Bộ GDĐT cho hay, sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện về cơ chế pháp lý, tài chính trong kiểm định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên, định kỳ cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và hợp tác quốc tế về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-chat-kiem-dinh-giao-duc-10295432.html