Nâng chất lượng sâm Nam, hướng tới xuất khẩu

Không chỉ tiêu thụ nội địa, sâm Nam núi Dành (Tân Yên - Bắc Giang) còn có nhiều tiềm năng vươn ra thị trường thế giới. Nắm bắt cơ hội này, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cùng các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) quan tâm triển khai nhiều giải pháp để nâng giá trị sâm 'tiến vua', hướng tới xuất khẩu.

Trồng theo vùng tập trung

Để chuẩn bị cho xuất khẩu sâm Nam, huyện Tân Yên xác định phải bảo đảm vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng cao. Theo đó, huyện quan tâm triển khai Đề án phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027; tập trung chỉ đạo người dân sản xuất theo chuỗi liên kết; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất.

Đến nay, toàn huyện có 125 ha sâm Nam núi Dành (đạt 83% so với mục tiêu đề án); trong đó gần 70 ha trồng tập trung (từ 0,5 ha trở lên), chủ yếu ở các xã Việt Lập, Liên Chung, Phúc Hòa và thị trấn Cao Thượng. Phần lớn sâm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; 9 ha được cấp mã số vùng trồng.

 Vùng trồng sâm Nam, xã Liên Chung (Tân Yên). Ảnh: Mai Toan.

Vùng trồng sâm Nam, xã Liên Chung (Tân Yên). Ảnh: Mai Toan.

Tìm hiểu tại HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành, xã Việt Lập, đơn vị có 11 thành viên cùng liên kết trồng 25 ha sâm (nhiều hơn 4 ha so với năm 2023); trong đó, 5 ha đã được cấp mã số vùng trồng. Thời điểm này, cây sâm (từ một năm tuổi trở lên) đang chuẩn bị vào mùa hoa mới; nhiều diện tích trồng được gần một năm cũng sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Thân Hải Đăng, Giám đốc HTX nói: “HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học và lượng phun rất ít vì cây ít sâu bệnh. Để mỗi gốc duy trì 5-7 kg củ chỉ nên vun xới một lần trong năm đầu tiên, sau đó thường xuyên nhổ cỏ. HTX có gần 6 ha sâm từ 8-10 năm tuổi, cây sâm tuổi càng cao thì hoa và củ càng có nhiều hàm lượng hoạt chất tốt cho sức khỏe. HTX đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu để khách hàng dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Năm 2024, huyện Tân Yên có 115 ha sâm cho thu hoạch hoa, sản lượng dự kiến hơn 80 tấn; hơn 18 ha sâm cho thu hoạch củ, sản lượng ước khoảng 30 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện kết nối, mời gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.

Sâm Nam núi Dành là một trong những cây chủ lực của huyện Tân Yên, vì thế việc mở rộng diện tích, chăm sóc đúng kỹ thuật được đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện trồng mới hơn 10 ha. Cây giống được tuyển chọn kỹ càng, trồng trên vùng đất đồi, bãi có khả năng thoát nước tốt; mật độ phù hợp; tưới nước tự động và gắn với vùng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh trên địa bàn.

Vùng nguyên liệu rộng lớn, chất lượng đã đáp ứng tốt yêu cầu thị trường. Ngoài tiêu thụ hoa và củ tươi, sâm Nam núi Dành còn được chế biến thành nhiều sản phẩm như: Rượu sâm từ củ và hoa, trà hoa sâm, trà sâm dạng hòa tan, dầu gội thảo mộc sâm, nước sâm… Hiện có ba sản phẩm sản xuất từ sâm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Năm 2023, sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang.

Chinh phục thị trường cao cấp

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, muốn phát triển sâm Nam núi Dành bền vững cần có thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, với những ưu điểm vượt trội, loài cây này còn có tiềm năng xuất khẩu, chinh phục các thị trường khó tính. Để làm được điều này cần sự vào cuộc tích cực của các DN.

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sâm Nam núi Dành. Từ đây, nhiều chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với DN, HTX được củng cố, hình thành mới. Một số DN, HTX điển hình có liên kết sản xuất với người dân như: Công ty cổ phần Sâm Nam núi Dành King GinSeng, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Thìn Dung, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh (Tân Yên), Công ty TNHH Dược phẩm Tràng An (Ninh Bình)…

 Đại diện Công ty cổ phần Sâm Nam núi Dành King GinSeng giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sâm Nam tại Hoa Kỳ.

Đại diện Công ty cổ phần Sâm Nam núi Dành King GinSeng giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sâm Nam tại Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Thành Viên, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Nam núi Dành King GinSeng, xã Việt Lập cho biết, tại hội nghị xúc tiến nêu trên, Công ty đã ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền sản phẩm sâm Nam núi Dành sang thị trường Hoa Kỳ với Tập đoàn iBeneTor USA. Đại diện Công ty đã được Tập đoàn mời tham dự chương trình kết nối đầu tư thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tại TP Arlington, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ).

Vừa qua, Công ty mang 16 nhóm sản phẩm chế biến từ sâm Nam núi Dành (với hơn 400 hộp) đến Hoa Kỳ để quảng bá, giới thiệu như cao hồng sâm, bột sâm hòa tan, trà sâm cao cấp... Tất cả đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chất lượng, đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, được cấp chứng chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Nhiều khách hàng ngoại quốc đánh giá cao các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành được trưng bày tại chương trình và hai siêu thị ở hai tiểu bang thuộc Hoa Kỳ.

Cũng tại chương trình này, Công ty cổ phần Sâm Nam núi Dành King GinSeng tiếp tục ký kết hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn iBeneTor USA. Theo đó, từ nay đến tháng 9/2024, Công ty dự kiến xuất khẩu ba công-ten-nơ các sản phẩm chế biến từ sâm Nam, đưa đến các tiểu bang khác của Hoa Kỳ. Được sự hỗ trợ của Tập đoàn, Công ty đã thành lập văn phòng đại diện tại tiểu bang Texas để thúc đẩy hoạt động quảng bá, kinh doanh. “Hoa Kỳ là thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng nhiều yêu cầu, điều kiện khắt khe. Chúng tôi vui mừng vì đã chinh phục được khách hàng ở thị trường này, đây cũng là cơ hội để địa phương tiếp tục đưa sâm Nam núi Dành xuất khẩu tới nhiều nước khác.

Hiện DN đang nghiên cứu bổ sung thêm một số công thức nhằm đa dạng hóa các loại sản phẩm; hoàn thiện một số giấy tờ, điều kiện liên quan giúp cho việc xuất khẩu thuận lợi, hiệu quả. DN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách, tài chính...”, ông Viên chia sẻ thêm.

Để đáp ứng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và trực tiếp những HTX, hộ trồng sâm tiếp tục quan tâm mở rộng quy mô diện tích; song song với đó là bảo tồn nguồn giống quý, kiểm soát chất lượng nguồn nước, duy trì dinh dưỡng cho đất, chăm sóc đúng cách... để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Hiện cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện Tân Yên đang tiến hành cấp thêm 3 mã số vùng trồng sâm với tổng diện tích gần 4 ha. Đồng thời, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng sản xuất, chế biến sâu, xúc tiến tiêu thụ, khai thác thị trường cả trong và ngoài nước.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-chat-luong-sam-nam-huong-toi-xuat-khau-075739.bbg