Nâng chất nguồn lao động

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vào ngày 4-5 đã ký ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo chỉ thị trên, phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50% - 55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau THCS vào GDNN. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm "học đi đối với hành"; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với GDNN…

Một lần nữa, vấn đề GDNN được Đảng và Nhà nước đặt ra với tầm nhìn xa trông rộng với yêu cầu phát triển nhanh, bắt nhịp với toàn cầu. Vấn đề càng trở nên thiết thân với từng người lao động trên đường tìm việc, từng công nhân với nỗ lực bảo đảm vị trí việc làm trên dây chuyền hiện đại.

Chưa bao giờ câu tục ngữ "Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay" lại đúng với thị trường lao động Việt Nam những ngày này, khi lao động có tay nghề kỹ thuật trở nên khan hiếm. Tại TP HCM và các tỉnh lân cận, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân kỹ thuật, mức lương đưa ra khá hấp dẫn, từ 18 - 25 triệu đồng/tháng, chưa kể những khoản phụ cấp, chuyên cần, đi lại. Tuy nhiên, nguồn ứng viên không nhiều và chất lượng không như doanh nghiệp yêu cầu.

Chênh lệch cung - cầu cũng phản ánh một thực trạng bất cập lâu nay là chất lượng nguồn lao động. Theo khảo sát của Manpower Group Việt Nam, lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam hiện chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Nhân công giá rẻ vừa là điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về sự thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất. Manpower Group cũng cho biết hiện có khoảng 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.

Còn theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Ban (JICA), trình độ học vấn thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam gần đây được xác định là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực, làm giảm hiệu suất công nghiệp và khả năng cạnh tranh của đất nước, hội nhập toàn cầu…

Chỉ thị của Ban Bí thư với những yêu cầu, giải pháp sẽ là kim chỉ nam để các cấp, ngành thực hiện, khắc phục các bất cập lâu nay. Những giải pháp đề ra với tính khả thi cao cùng quyết tâm chính trị và nhận thức đúng đắn về GDNN hy vọng sẽ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai không xa.

VIỆT QUÝ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/nang-chat-nguon-lao-dong-20230522220832618.htm