Nâng giá trị gạo bao thai vùng ATK Định Hóa
Đồng bào các dân tộc vùng An toàn khu (ATK) huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày nay, bà con cần cù, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước để sản xuất ra gạo bao thai Định Hóa đặc sản, chế biến ra nhiều sản phẩm hàng hóa dẻo thơm để tăng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập.
Thiên nhiên ưu đãi thổ nhưỡng huyện Định Hóa nhiều khoáng chất, khí hậu trong lành, đặc thù, nguồn nước không bị ô nhiễm nên rất phù hợp với giống lúa bao thai, đồng bào các dân tộc cần cù sản xuất ra gạo bao thai nấu cơm ngọt đậm, thơm và chế biến thành mỳ, bún, phở, bánh cuốn mềm, dẻo, được khách hàng ưa thích.
Lúa bao thai được gieo cấy ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Định Hóa với diện tích khoảng 2.600ha.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quy Kỳ Luân Đức Quỳnh cho biết: “Mỗi năm bà con nông dân cần cù gieo cấy, chăm sóc một vụ lúa bao thai. Khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp nên lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, lúa chín hình thành những hạt thóc đầy đặn căng tràn, xay xát gạo trắng trong, nấu cơm và chế biến các sản phẩm dẻo, thơm, giàu dinh dưỡng. Gạo bao thai Định Hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể”.
Từ gạo bao thai Định Hóa, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến, sản xuất ra nhiều loại mỳ, bún, phở khô được công nhận sản phẩm OCOP ba, bốn sao, đóng bao bì trang nhã, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại xóm Đình Phỉnh, xã Phượng Tiến hiện có khoảng 10 hộ sản xuất mỳ, bún khô quy mô hộ. Gia đình anh Nguyễn Hoàng Long đầu tư hơn 100 triệu đồng nhà xưởng và máy móc, công suất 3 tấn mỳ khô/tháng, làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu.
Anh Long cho biết, gia đình anh có 3 người làm, tự thực hiện tất cả các công đoạn như ngâm gạo, nghiền bột, ủ bột, cán mỳ, rửa, phơi, đóng gói… Công việc không vất vả, nhưng mất nhiều thời gian, vì mỗi công đoạn cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sở dĩ mỳ Định Hóa dễ bán ra thị trường bởi nguyên liệu là gạo bao thai đặc sản, các hộ còn sử dụng công nghệ xay bột nước khiến cho sợi mỳ dai, dẻo, khi chế biến sợi không bị nát, nước trong. Làm mỳ gạo đang được người dân đánh giá cao nhất về hiệu quả kinh tế trong những năm gần đây.
Được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ công nghệ và vốn, Hợp tác xã Tâm Trà Thái xây dựng dây chuyền sản xuất bún khô, phở khô từ gạo bao thai Định Hóa thơm ngon, bổ dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái Hoàng Thị Tân cho biết: “Được sự hỗ trợ về vốn và công nghệ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, dây chuyền sản xuất bún khô, phở khô từ gạo bao thai Định Hóa được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sản phẩm được đóng gói trang nhã, được khách hàng trong nam, ngoài bắc ưa dùng”.
Từ năm 2023, dây chuyền sản xuất bún khô, phở khô của Hợp tác xã Tâm Trà Thái hoạt động ổn định, công suất 2,4 tấn sản phẩm/ngày, vận hành theo quy trình khép kín, tự động từ xay gạo thành bột, tráng, sấy khô đến cắt sản phẩm nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với sản lượng bún khô, phở khô sản xuất hằng ngày là khá lớn, toàn bộ lượng nước vo gạo được các đơn vị thuộc Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên sử dụng để tưới cho các loại cây trồng, cây giống, trong các vườn thí nghiệm nên không thải ra môi trường gây ô nhiễm, là mô hình sản xuất khép kín, hiệu quả.
Để xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp gạo sản xuất bún khô, phở khô, Hợp tác xã Tâm Trà Thái đã tích cực phối hợp với huyện Định Hóa thực hiện dự án phát triển lúa bao thai, hỗ trợ 70% giá trị phân bón, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho 400 hộ với diện tích 56,5ha ở 5 xã, trong đó có một số diện tích đã được gắn mã vùng trồng và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc tiêu thụ trong gia đình, tất cả các gia đình trong vùng nguyên liệu đều có cam kết, hợp đồng bán gạo và Hợp tác xã Tâm Trà Thái thu mua với giá cao hơn thị trường 5 nghìn đồng/kg nên lượng gạo đủ cung cấp cho dây chuyền sản xuất bún khô, phở khô hoạt động ổn định.
Từ khi dây chuyền này hoạt động ổn định, góp phần đưa giá gạo bao thai Định Hóa tăng gần hai lần, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Tới đây, Hợp tác xã Tâm Trà Thái sẽ mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm bún khô, phở khô để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, góp phần tăng lượng gạo tiêu thụ, tăng quy mô số hộ, số xã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển lúa bao thai, tăng thu nhập cho nông dân huyện Định Hóa.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Triệu Văn Cương, triển khai dây chuyền sản xuất bún khô, phở khô là một trong những nội dung hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ thâm canh lúa cho nông dân.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-gia-tri-gao-bao-thai-vung-atk-dinh-hoa-post844076.html