Nâng hạng TTCK là điều kiện có trước để phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Việc có một hệ thống pháp lý rõ ràng minh bạch và ổn định nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhà đầu tư trong dịch chuyển dòng vốn là điều kiện rất quan trọng để kéo được những 'ông lớn' đến với trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Về những tiền đề và các bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, TS Quách Mạnh Hào, Giáo sư về Ngân hàng Tài chính tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh mới đây đã có những chia sẻ riêng với PLO.
Ba tiền đề quan trọng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Theo ông Quách Mạnh Hào, tài chính không phải là vấn đề của cơ sở vật chất, mà là vấn đề của “niềm tin”, không thể quy hoạch một khu vực thật đẹp, xây các tòa nhà to, cung cấp công nghệ hiện đại với các dịch vụ đi kèm tiện lợi và gọi đó là trung tâm tài chính.
Giáo sư ngành Ngân hàng Tài chính tại đại học Lincoln nhấn mạnh, thứ nhất cần tạo ra niềm tin; thứ hai tạo ra điều kiện cần thiết; cuối cùng cần tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Thứ nhất, cần có một hệ thống pháp lý rõ ràng minh bạch và ổn định nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhà đầu tư trong việc di chuyển dòng vốn tự do một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề này.
Tài chính là con người ra quyết định, do vậy các vấn đề có ảnh hưởng tới niềm tin của con người như thuế (ví dụ, mức thuế hay hiệp ước đánh thuế hai lần) hay thủ tục giao dịch đều là những đầu việc tưởng nhỏ nhưng rất quan trọng và nên được ưu tiên. Bên cạnh đó là niềm tin lẫn nhau thông qua văn hóa quản trị doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đạị từ công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc đến giao thông nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của các sản phẩm tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư. Đồng thời, đảm bảo các giao dịch tài chính diễn ra thuận tiện trong thời gian ngắn và chi phí thấp.
TS Hào tin rằng ở khía cạnh này Việt Nam sẽ làm tốt. Điều đó cũng giống như xây một khu đô thị to và hiện đại vậy. Tuy nhiên, con người mới là yếu tố quan trọng nhất, chính vì vậy yếu tố đầu tiên rất cần được lưu tâm.
Thứ ba, để đảm bảo sự cạnh tranh, nghĩa là muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lớn, cần ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính.
Đồng thời, khuyến khích sự phát triển công nghệ tài chính và ứng dụng các phát kiến mới như blackchain hay AI trong dịch vụ tài chính.
Trung tâm tài chính lớn mạnh tới đâu sẽ phụ thuộc và khả năng cạnh tranh công nghệ. Chính vì vậy, cần có chiến lược dài hạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, trước mắt là ứng dụng, sau đó là phát triển, các công nghệ mới.
Hướng thu hút các “đại bàng” đến trung tâm tài chính quốc tế
Giáo sư ngành Ngân hàng Tài chính tại đại học Lincoln khẳng định một trung tâm tài chính trước hết cần có tổ chức tài chính và nhà đầu tư tham gia vào đó. Chỉ khi thu hút được nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia thì khi đó mới có trung tâm tài chính quốc tế.
Đồng thời, cũng cần chú ý rằng trong lĩnh vực tài chính, con người đi trước, tổ chức đi sau. Việc cá nhân cảm thấy tin tưởng và thuận tiện sẽ dẫn tới sự xuất hiện của các tổ chức.
Có thể hình dung rằng, dù là tổ chức hay cá nhân, các giao dịch tài chính đều cần phải được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi. Điều đó có nghĩa là chi phí giao dịch phải thấp. Họ thực hiện giao dịch cũng là vì lợi ích của họ và do vậy họ sẽ quan tâm tới vấn đề thuế và phí đối với thu nhập được tạo ra. Tất nhiên là nếu thuế thấp thì sẽ hấp dẫn họ hơn.
Nhà đầu tư cũng quan tâm tới việc đánh thuế hai lần vì thường các trung tâm tài chính quốc tế sẽ thu hút các cá nhân từ nhiều quốc gia khác nhau. Chẳng hạn như Dubai họ thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân tới làm việc vì lý do thuế.
Chắc chắn cần phải tham khảo các trung tâm tài chính khác để có chính sách phù hợp vì bản chất đó là sự cạnh tranh về giá, ông Hào nhấn mạnh.
Ông Hào nhấn mạnh các vấn đề liên quan tới niềm tin của nhà đầu tư nên được ưu tiên làm trước. Còn vấn đề chất lượng quản trị doanh nghiệp tôi nghĩ là một vấn đề lớn tác động tới niềm tin nhà đầu tư.
Khoảng gần 20 năm trước khi HSBC viết một báo cáo khuyến khích đầu tư vào Việt nam, chúng ta có một giai đoạn ngọt ngào khi các quỹ đầu tư vào Việt Nam và đầu tư khá nhiều vào các doanh nghiệp nội địa. Nhưng những hào hứng ban đầu của một thị trường mới đã dần dần bị thay thế bởi nỗi “sợ” vấn đề quản trị.
Tiến sỹ Hào khẳng định không nên cảm thấy tự hào với một văn hóa quản trị khi ông chủ doanh nghiệp tự ra quyết định và ra quyết định nhanh trong vài chục phút với một vài ý viết trên giấy? Văn hóa đó phù hợp với các sạp hàng ở chợ quê. Nó có lợi thế là nhanh, nhưng nó chắc chắn không hiệu quả nếu cạnh tranh sòng phẳng.
Trong trường hợp khác, cũng không thể cổ vũ văn hóa quản trị mà trong đó ông chủ lợi dụng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khi khó khăn nhưng khi lớn mạnh lại dùng các công ty sân sau để đẩy họ đi chiếm nguồn lợi cho riêng mình một cách dễ dàng và coi đó là những tài năng.
Trung tâm tài chính có nhà đầu tư và cổ đông, cần phải tôn trọng họ. Người Việt Nam cần phải học cách hành động vì lợi ích của họ, cần cổ vũ một văn hóa quản trị doanh nghiệp vì lợi ích cổ đông, càng bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, chất lượng quản trị càng cao.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một điều kiện có trước để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Để có một trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng trong đó có thị trường vốn và thị trường chứng khoán phải hoạt động tốt.
Nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng, đó là bước đầu tiên để thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Từ đó, tiến tới không chỉ thu hút vốn đầu tư, mà còn có các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một trung tâm tài chính quốc tế cũng có nghĩa rằng doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường vốn quốc tế thông qua một cầu nối là Việt Nam.
Tác giả bài viết là TS.Quách Mạnh Hào, Giáo sư về Ngân hàng Tài chính tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, sáng lập QMV Group.
Ông Quách Mạnh Hào từng là thành viên HĐQT và điều hành cấp cao tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ huy động vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và cả công ty niêm yết. Ông chứng kiến nhiều giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng.
Ông Hào đã hoàn thành chương trình nghiên cứu tại Đại học Harvard với tư cách học giả Fulbright. Ông có bằng Tiến sĩ Tài chính Kế toán và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Birmingham, Anh.
Hiện sinh sống tại Anh, ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Lincoln, ông Hào sáng lập và hướng dẫn điều hành Quỹ đầu tư sinh viên Lincoln (LSMIF) thuộc Đại học Lincoln. Đây là một trong khoảng 5 quỹ đầu tư thuộc dạng này ở Vương quốc Anh, đầu tư vào cổ phiếu các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London.
Ông Hào có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các tổ chức tài chính tại các trung tâm tài chính quốc tế truyền thống như London, New York hay Tokyo hoặc các trung tâm tài chính mới nổi sau này như Hong Kong, Singapore và gần hơn nữa như Thượng Hải, Thâm Quyến, Seoul, hay Dubai.