Năng lực, chất lượng vận tải dịp Tết đáp ứng nhu cầu người dân
Ngày 26/1 (mồng 5 Tết) là ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ các địa phương đổ về thành phố để bắt đầu ngày làm việc đầu Xuân, mật độ giao thông tại nhiều tuyến đường cửa ngõ các thành phố lớn tăng cao. Càng về chiều, dòng người và phương tiện càng tăng cao và xảy ra ùn tắc. Dự báo, trong 2 ngày 27 và 28/1, người dân tiếp tục đổ dồn về thành phố.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải cả đường bộ, đường sắt và hàng không đều cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, việc quản lý giá cước tương đối tốt; giải tỏa nhanh ùn tắc trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Số vụ, số người chết do tai nạn giao thông giảm
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo tổng hợp của Bộ Công an, trong ngày 26/1, cả nước xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, tất cả đều trên đường bộ, làm chết 12 người và 15 người bị thương (giảm 2 vụ, tăng 3 người chết và giảm 2 người bị thương so với ngày mồng 5 Tết năm trước).
Tính chung 7 ngày Tết (từ ngày 20 đến 26/1), cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và bị thương 111 người (giảm 12 vụ, giảm 3 người chết và tăng 8 người bị thương so với cùng kỳ dịp Tết năm trước).
Trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương đã phát hiện, xử lý gần 22 nghìn trường hợp vi phạm, phạt gần 50,5 tỷ đồng, tạm giữ 639 ô-tô, gần 10 nghìn xe máy, tước 4.950 bằng lái xe các loại; trong đó, xử lý hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 17 trường hợp dương tính ma túy, hơn 2.200 trường hợp vi phạm tốc độ. Cũng trong 7 ngày qua, có 33 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phản ánh bất cập, vi phạm giao thông và đều được chuyển tới cơ quan chức năng để xác minh, xử lý kịp thời.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá: Với sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và địa phương, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả số vụ (7,3%) và số người chết (3,3%) so với cùng kỳ Tết năm 2022; không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, việc quản lý giá cước vận tải tương đối tốt; giải tỏa kịp thời ùn, tắc trên các tuyến giao thông trọng điểm. Tuy vậy, số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn tăng so với cùng kỳ (8%).
Ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố lớn
Khoảng 14 giờ ngày 26/1, tại Hà Nội, mật độ phương tiện trên các tuyến Vành đai 3, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Giải Phóng, Nguyễn Trãi,… bắt đầu đông đúc. Đến gần 16 giờ, tại lối ra cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, nút giao Xa La và nhiều tuyến khác bắt đầu ùn tắc. Tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, hành khách từ các tỉnh ùn ùn trở về Hà Nội nhưng không xảy ra tình trạng quá tải.
Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết, lượng người quay trở lại Hà Nội bằng xe khách không quá đông, chỉ đạt khoảng 80% so với trước dịch. Bến đã huy động 100% nhân viên phục vụ, nhanh chóng giải tỏa hành khách trong khu vực bến.
Giám đốc bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cũng đánh giá, lượng hành khách từ các tỉnh trở lại Hà Nội ngày 26/1 đông nhất so với mấy ngày trước đó nhưng không quá tải. Sau Tết Nguyên đán, người dân trở lại Thủ đô trong mấy ngày, vì vậy lượng người và phương tiện được san sẻ, không quá tải so với các năm trước.
Chị Vũ Thị Biển quê ở Nghệ An cho hay: Năm nay, hành khách quay trở lại Hà Nội bớt vất vả hơn mọi năm. Hành khách trên xe có ghế ngồi chứ không bị nhồi nhét. Tôi đi xe khách Văn Minh thấy giá cước vẫn duy trì ở mức 300 nghìn đồng như ngày thường”.
Cuối giờ chiều, các phương tiện lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khá đông nhưng không xảy ra ùn tắc, các xe lưu thông thuận lợi cả 2 chiều. Cũng trong ngày 26/1, sản lượng chuyến bay và hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp tục tăng so với những ngày trước đó, với 536 chuyến bay, sản lượng hành khách ước khoảng 85 nghìn lượt người, trong đó khách quốc nội 63 nghìn lượt; khách quốc tế 22 nghìn lượt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng hành khách tăng cao tại khu vực Bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức) và sân bay Tân Sơn Nhất. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, ngày 26/1, trong ngày, có hơn 913 chuyến bay cất/hạ cánh, đón lượng hành khách gần 145 nghìn người. Đây là kỷ lục khai thác mới của sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp Tết Nguyên đán, sau liên tục 2 mùa cao điểm Tết trước đó sụt giảm sản lượng.
Dự báo, lượng khách qua sân bay tiếp tục tăng mạnh, nhất là vào hai ngày cuối tuần tới đây. Tại Bến xe Miền Đông mới, từ sáng sớm, nhiều hành khách từ các tỉnh đã lỉnh kỉnh đồ đạc, hành lý xuống xe về thành phố.
Đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết, lượng khách về bến trong ngày gần 4.000 người với 250 đầu xe khách, tăng hơn 100% so với ngày 30 và mồng 1 Tết. Còn tại Cần Thơ, đến cuối giờ chiều 26/1, lưu lượng phương tiện tại các cửa ngõ tăng lên, nhưng giao thông qua địa bàn vẫn ổn định, không xảy ra ùn tắc.
Một số tuyến trung tâm nội ô như Đại lộ Hòa Bình, đường 30/4, đường 3/2, Nguyễn Văn Cừ,… mật độ xe tương đối lớn, đôi lúc xảy ra ùn tắc cục bộ tại các giao lộ. Đến cuối giờ chiều, giao thông trên quốc lộ 1 qua thành phố Cần Thơ đến cầu Cần Thơ vẫn thông suốt.
Theo tìm hiểu, năm nay công nhân lao động tại các công ty, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được nghỉ dài, đến mồng 9 (ngày 30/1) mới trở lại công ty làm việc nên người lao động sẽ trở lại chỗ làm trong 2 ngày cuối tuần.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ùn, tắc giao thông trong dịp nghỉ Tết chủ yếu tập trung tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29, 30 và ngày mồng 4, 5 Tết, khi người dân về quê đón Tết và quay trở lại thành phố làm việc. Lưu lượng giao thông tăng vọt đã gây ùn tắc kéo dài trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 (Hà Nội); trên tuyến quốc lộ 1 qua Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, các tuyến cửa ngõ miền Đông, miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre, v.v…), phà Cát Lái và Rạch Miễu; quốc lộ 51 hướng đi Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Tại các bến xe, nhà ga ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; một số trạm thu phí, mặc dù đã triển khai hệ thống thu phí không dừng, nhưng do lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến so với ngày thường và xảy ra một số va chạm giao thông, đã dẫn đến ùn tắc cục bộ tại một số trạm thu phí.
Dự báo, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi du lịch, lễ hội, sử dụng phương tiện cá nhân của người dân tăng cao, ùn tắc giao thông có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Để bảo đảm an toàn giao thông, vận tải sau Tết và mùa Lễ hội xuân, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, chở quá số người; đồng thời, có giải pháp phục hồi nhanh vận tải hành khách công cộng đường bộ...