Năng lực xuất khẩu nông sản Việt còn nhiều 'lỗ hổng'
Nông sản Việt đã có mặt tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch tăng trưởng dương theo từng năm nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng, thách thức trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường xuất khẩu.
Nông sản của Việt Nam đang ngày càng tiến ra thị trường thế giới khi có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ…
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam” ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) đánh giá: "Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %, trong đó rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, mặt hàng rau quả của Việt Nam có thể vượt 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu".
Theo ông Hội, kết quả này có được đến từ việc môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy hoạt xuất khẩu nông sản. Việc thực thi cam kết WTO cũng như đàm phán, thực hiện các FTA thế hệ mới mở rộng điều kiện tiếp cận thị trường cho xuất khẩu nông sản.
Đồng thời, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, góp phần bổ sung nguồn lực về vốn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế đang có, ông Hội thấy rằng, ngành nông sản Việt vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Trong đó, việc thực thi FTA của các doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng hay hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; chưa thu hút được công nghệ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Việt Nam thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam cũng còn những hạn chế, chưa bảo vệ được quyền lợi của các nhà xuất khẩu nông sản và hiệu quả chưa cao.
Còn theo bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy mô sản xuất nông sản tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp.
Bên cạnh đó, các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bà Trần Thị Lan Anh
Trước thực trạng này, bà Lan Anh nhận định, quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản là một trong những đòn bẩy quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, cần tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Việt Nam cần nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản. Cần triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.
Nghiên cứu thực thi chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho từng cấp sản phẩm chủ lực như sản phẩm quốc gia, OCOP…
Cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (tổ hợp tác, HTX nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản...