Năng lượng xanh là 'cửa ra' cho Đồng bằng sông Cửu Long
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đồng bằng sông Cửu Long cần kết hợp phát triển năng lượng xanh và công nghiệp xanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sáng 27/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024.
Báo cáo với chủ đề trọng tâm "Huy động đầu tư cho phát triển bền vững", cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô và những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.
"Xanh hóa" là chìa khóa phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại Lễ công bố, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - chuyên gia nghiên cứu FSPPM - cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long luôn đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế - xã hội suốt từ năm 2010 đến nay mà không có sự thay đổi. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng của vùng chỉ có 3,1%, trong khi tỷ trọng kinh tế của vùng giảm từ 13,2% năm 2014 xuống còn 10,8% năm 2023.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khẳng định: Lĩnh vực năng lượng xanh là một trong những "cửa ra" của Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VCCI
Về nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế dẫn đầu cả nước, chiếm 41,2% diện tích đất lúa và 47,3% diện tích tự nhiên của vùng dành cho lúa. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác tiềm năng kinh tế lớn nếu chuyển đổi diện tích lúa sang phát triển nông nghiệp sinh thái.
Tiến sĩ nhận định, việc theo đuổi phát triển "xanh hóa" trong nông nghiệp là chìa khóa phát triển kinh tế đối với nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thay vì tập trung phát triển công nghiệp.
“Nếu chúng ta mất sinh thái, mất bản sắc của đồng bằng, mất dòng sông, mất cánh đồng lúa, chúng ta sẽ mất chính Đồng bằng sông Cửu Long”, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Bên cạnh đó, năng lượng xanh cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Theo tiến sĩ, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đứng thứ 3 trong toàn quốc về đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực này đang đến từ khu vực FDI và khu vực tư nhân trong nước. Trong đó, đa số trong số các khoản đầu tư mới là về năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khẳng định: Lĩnh vực năng lượng xanh là một trong những "cửa ra" cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là khi kết hợp với công nghiệp xanh, lĩnh vực này có thể thay đổi diện mạo của toàn bộ khu vực.
"Về dài hạn, phát triển xanh và bền vững là quy luật tất yếu của nhân loại. Nếu chúng ta có năng lượng xanh, chúng ta có thể kết hợp nó với công nghiệp xanh, và từ đó tạo ra một tốc độ năng trưởng kinh tế tốt hơn. Và bản thân các địa phương khi có các dự án công nghiệp thì nguồn thu gân sách cũng sẽ cao hơn", tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết.
Để Đồng bằng sông Cửu Long cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vẫn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, quá trình chuyển đổi cơ cấu chậm, khả năng thu hút đầu tư còn thấp, cùng với sự phát triển hạn chế của doanh nghiệp đang là những rào cản chính trong việc phát triển kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đình Đại
Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, quá trình chuyển đổi cơ cấu chậm, khả năng thu hút đầu tư còn thấp, cùng với sự phát triển hạn chế cả về số lượng lẫn năng lực của doanh nghiệp đang là những rào cản chính trong việc phát triển kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, khu vực này cũng đang thiếu hụt cơ hội việc làm, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao.
"Đây là vấn đề đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh cả nước đang phát triển nhanh chóng, các địa phương không ngừng cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa bắt kịp xu hướng chung", Chủ tịch VCCI nhận định.
Trước thực trạng này, Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 tập trung phân tích cấu trúc nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, nhằm xác định nguyên nhân và hạn chế trong việc huy động vốn phát triển. Từ đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị, chính sách để Trung ương xây dựng một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện, dài hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng.
Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ về thể chế, tinh gọn bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng. Những thông tin đầy đủ, tin cậy từ báo cáo sẽ là nền tảng để hoạch định các quyết sách trọng yếu, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững.
Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024 cũng đưa ra kết quả khảo sát 153 doanh nghiệp tư nhân tại Đồng bằng sông Cửu Long vào quý 3/2024. Khảo sát cho thấy, chỉ 56,9% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào vùng trong 5 năm tới, 32% không có kế hoạch mở rộng, và 11,1% có ý định đầu tư vào các vùng khác, chủ yếu là Đông Nam Bộ. Điều này phản ánh những thách thức trong việc thu hút và giữ chân doanh nghiệp.