Năng lượng xanh và sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Trong đó, năng lượng xanh và sạch, bảo vệ môi trường góp phần kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới để phát triển bền vững, giảm phát thải ròng.

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới” do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức chiều 31/3. Theo TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, một trong những nguồn lực có tính nền tảng để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch...

PGS. Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

PGS. Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Khẳng định năng lượng là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân, PGS. Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ rõ, từ thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia...

Đánh giá cao diễn đàn và cho rằng đây là sự kiện mang tính đột phá để thúc đẩy chuyển đổi nhanh năng lượng xanh của Việt Nam... PGS. Huỳnh Thành Đạt cho hay, đây không chỉ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách mà còn đóng vai trò truyền thông, nâng cao nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tiếp cận sâu sát các xu hướng năng lượng mới và kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo TS Chử Văn Lâm, thế giới và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Có thể thấy, chưa khi nào thế giới cùng một lúc vận động nhiều xu hướng phát triển như giai đoạn hiện nay. Có những xu hướng đã nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng, trở thành kỷ nguyên phát triển mang tính toàn cầu, tất yếu, không thể đảo ngược, như: Cách mạng công nghiệp số, cách mạng công nghiệp xanh, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), kỷ nguyên thông minh, kỷ nguyên xanh…

Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên).

Cùng với đó, các cuộc cách mạng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tốc độ và mức độ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ngày càng nhanh và phổ biến. Mới đây, Ban chỉ đạo T.Ư về phát triển Khoa học Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng Bình dân học vụ số.

"Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn" - TS. Chử Văn Lâm nói.

Đồng thời cho rằng, điều này đòi hòi cần có sự điều chỉnh trong các chiến lược và quy hoạch phát triển điện và các nguồn năng lượng.

Hiện Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chuyên trách đang tiến hành rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững chuỗi giá trị năng lượng, đặc biệt đối với các hạng mục đầu tư, phát triển các dự án năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại. Ông cũng đưa ra hàng loạt vấn đề, trong đó Đối với năng lượng hạt nhân, theo ông Tuấn, quy mô phát triển các nguồn tích năng, linh hoạt, lưu trữ lớn, trong khi chưa có quy định thị trường và giá cả mua/bán điện cho các loại hình này. Các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mặc dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện các hành lang pháp lý.

Nguyễn Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-luong-xanh-va-sach-kien-tao-ky-nguyen-kinh-te-moi.657653.html