Nâng tầm giá trị trái bí xanh thơm Bắc Kạn

Là sản phẩm địa phương của vùng núi Bắc Kạn, sản phẩm bí xanh thơm đã được các hợp tác xã nơi đây sáng tạo ra các sản phẩm mới như trà bí thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí.... Nhờ đó, sản phẩm bảo quản lâu hơn, tiêu thụ xa hơn vào các chuỗi nhà hàng, siêu thị, các hàng quán... và nâng cao giá trị.

Nâng cao chất lượng từ vùng trồng

Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh và trồng số lượng ít ở vài địa phương khác. Vụ bí năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được khoảng 230 ha, trong đó huyện Ba Bể là địa phương trồng được nhiều nhất với khoảng hơn 180 ha, tăng hơn 10 ha so với năm 2023.

Đây là loại cây trồng ngắn ngày, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 120 ngày. Trọng lượng trung bình của mỗi quả bí thương phẩm dao động từ 1,5 – trên 2kg, năng suất đạt 35-40 tấn/ha. Theo đánh giá của huyện Ba Bể, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên năng suất bí năm 2024 thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, với diện tích trên thì sản lượng bí của toàn huyện cũng đạt khoảng trên 6.000 tấn.

Điều khiến loại quả đặc sản này nổi tiếng là bởi vẻ bề ngoài không giống với các loại bí đao phổ biến trên thị trường: Quả rất to và được bao bọc bởi lớp phấn trắng, đặc ruột, đặc biệt là thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Khi chế biến, bí xanh thơm có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo, hương thơm đặc trưng, là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe.

Vỏ bí xanh thơm cứng và dày nên bà con có thể để được 3-4 tháng mà không sợ thối, hỏng. Do đó, bí xanh thường để làm rau xanh dự trữ ăn mùa mưa bão, mùa đông giá rét khan hiếm rau, lại dễ dàng vận chuyển đi nơi xa...

Là trái cây đặc sản của địa phương song nhiều năm qua, trái bí thơm cũng trải qua không ít lần rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, nhiều năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Ba Bể đã nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường cho trái bí.

Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (huyện Ba Bể) cho biết, tại xã Yến Dương, để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng “được mùa mất giá”, những năm gần đây, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Nhờ đó, cây bí thơm trở thành một trong những cây trồng chính mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Ba Bể. Hiện Hợp tác xã Yến Dương sở hữu vùng nguyên liệu 30 ha, trong đó 10 ha đạt chuẩn hữu cơ PGS. Sản phẩm Bí thơm của Hợp tác xã là sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, cùng với các Hợp tác xã trên địa bàn duy trì việc liên kết sản xuất.

Theo bà Ma Thị Ninh, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước. Sản lượng năng suất trung bình hàng năm tiêu thụ từ 500 – 700 tấn/năm Với năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha bí phấn, 30 – 35 tấn/ha đối với bí vỏ xanh.

Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường

Hiện nay, với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, bên cạnh sản phẩm tươi, HTX Yến Dương đã phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí thơm: Trà bí thơm túi lọc, trà bí thơm hòa tan, nước ép bí thơm,... Năm 2022, trà bí thơm của đơn vị đã được cấp Chứng nhận hữu cơ PGS, Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp tỉnh. Hiện trà bí thơm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, các siêu thị lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình… Mỗi năm, HTX xuất bán trà bí thơm ra thị trường với sản lượng hơn 3 tấn.

Việc sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm là hướng đi lâu dài, từ đó tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa Hợp tác xã và người dân trên địa bàn.

Bà Ma Thị Ninh nhấn mạnh, mục tiêu của Hợp tác xã không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, mà còn hướng đến việc đi sâu vào chế biến giá trị của quả bí thơm ngày càng được nâng lên.

Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Trang An Phát cũng đã nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu quả bí phấn trắng Bắc Kạn thành trà bí thơm. Đặc biệt, khi kết hợp với các nguyên liệu khác như đậu đỏ, thạch dừa, hạt sen, các loại trái cây..., trà bí thơm Bắc Kạn đã trở thành thức uống yêu thích của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ, giới văn phòng, thanh niên... Bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm từ quả bí xanh, hiện nay, 1 ha bí xanh thơm của huyện Ba Bể có thể đem lại hiệu quả kinh tế đến 200 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể) chia sẻ thêm, đến thời điểm hiện tại, bí xanh thơm trên địa bàn vẫn đang tiêu thụ tốt. HTX cũng đã ký với một số đơn vị như Tập đoàn BigC, Vincom, các chợ đầu mối và các chuỗi thực phẩm sạch đánh giá sản phẩm rất là tốt. Mặt khác, từ quả bí xanh thơm HTX đã phát triển thêm nhiều sản phẩm ở dạng trà, chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm và đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh… Nhờ đó, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, trong thời gian qua, huyện Ba Bể đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tìm đầu ra ổn định sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, ngành Công Thương đã tăng cường quảng bá bí xanh thơm tại các hội nghị xúc tiến trong và ngoài tỉnh như: Tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Nam, bí xanh thơm Ba Bể đã được bán tại Coopmart, Winmart, Lottemart…

Theo ông Đinh Lâm Sáng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn, hiện sản phẩm bí xanh thơm đã được giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ, hình thành các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân với nhà phân phối, người tiêu dùng tại các tỉnh thành trong nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tích cực hỗ trợ các Hợp tác xã đưa sản phẩm bí xanh thơm tham gia các sàn thương mại điện tử.

Phát triển sản phẩm gắn với du lịch

Cùng với các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại giới thiệu về sản phẩm quả bí xanh thơm gắn với hình ảnh du lịch hồ Ba Bể, việc tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm rất thuận lợi, giúp kinh tế nhiều hộ dân có sự cải thiện rõ rệt.

Theo UBND huyện Ba Bể, bí xanh thơm Ba Bể không chỉ tiêu thụ bằng cách ăn trực tiếp, chế biến sâu thành các sản phẩm sau thu hoạch… mà chính quyền và người trồng bí đã nâng tầm của vùng trồng bí xanh thơm thành các mô hình du lịch trải nghiệm. Từ đó, bà con, không chỉ trồng một vụ mà trồng hai vụ, diện tích sẽ tăng dần để phục vụ du lịch và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Đến các mô hình sinh thái này tham quan, trải nghiệm, du khách không chỉ được nghe bà con giới thiệu về xuất xứ, quy trình trồng cây bí xanh thơm, "check in" trong vườn bí mà còn được thưởng thức một số sản phẩm làm từ bí xanh thơm như trà bí xanh, nộm bí, bí luộc và mua những quả bí chất lượng mang về nhà làm thực phẩm hoặc quà biếu cho người thân, bạn bè.

Thời gian tới, để bí xanh thơm phát triển bền vững hơn nữa, Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, hợp tác xã, nhóm hộ trồng cây bí xanh thơm theo hướng sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Đinh Lâm Sáng khuyến nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ bí xanh thơm trên địa bàn huyện cần phải duy trì và củng cố mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dần trồng bí để hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích giữa đơn vị tiêu thụ với lợi ích của người nông dân mới có thể duy trì liên kết sản xuất một cách lâu dài và ổn định.

Bảo Ngọc

Đồ họa: Ngọc Lan

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/longform-nang-tam-gia-tri-trai-bi-xanh-thom-bac-kan-331900.html