Nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Sau nhiều năm kiên trì, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, trở thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nâng tầm "sản vật" địa phương

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 5/2024, cả nước đã có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,3% sản phẩm 3 sao, 25,1% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; 6.957 chủ thể OCOP là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và tổ hợp tác. Bộ đã phê duyệt danh mục thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cho 31 mô hình. Đến nay đã có 12/31 mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án/kế hoạch; 04 mô hình đã trình hồ sơ; 15 mô hình đang hoàn thiện dự án/kế hoạch để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đại diện Công ty TNHH Đức Phong cho biết, từ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của làng nghề đã phát huy được nhiều lợi thế. Cả tỉnh hiện có 37 làng nghề mây tre đan được tỉnh công nhận, trong đó có 29 làng nghề được doanh nghiệp xây dựng và phát triển. Sản phẩm của công ty đã đạt nhiều giải thưởng uy tín và đã có mặt trên 34 quốc gia, mỗi năm đem doanh thu trên 20 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp có nhóm gương mây tre được công nhận OCOP 4 sao, đang trình OCOP cấp Quốc gia (5 sao) đối với 02 sản phẩm gồm nhóm hộp quà tặng mây tre và nhóm đèn bàn mây tre. Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến nay, doanh nghiệp đã mở hơn 800 lớp dạy nghề đào tạo cho hơn 5.000 lượt người, truyền nghề, dạy nghề cho 132 xã trên địa bàn 15 huyện thành thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An khẳng định, từ khi Công ty TNHH Đức Phong đi vào hoạt động và tham gia chuỗi sản phẩm OCOP đã thu mua giúp bà con trồng rừng nguyên liệu với giá cả cao hơn, đầu ra ổn định, người dân yên tâm sản xuất. Các sản phẩm được thị trường chấp nhận, tạo ra giá trị gia tăng cao, cùng với đó là tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho lao động tại làng nghề mà công ty đang liên kết sản xuất. Nhờ đó, từ chỗ nghề mây tre đan có chiều hướng mai một tại địa phương thì nay đã có thương hiệu, không những có uy tín trong nước mà còn có uy tín trên trường quốc tế.

Để các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương vươn xa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp, tổ chức các hoạt động giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các sự kiện (hội nghị, hội thảo); tổ chức không gian giới thiệu sản phẩm OCOP của vùng miền gắn với du lịch (tại tỉnh Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng); tổ chức không gian triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 tại tỉnh Cà Mau; không gian triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam (tại Hậu Giang)...; phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức đoàn cán bộ trao đổi, học tập kinh nghiệm về OTOP và phát triển cộng đồng tại Thái Lan...

Đánh giá hiệu quả của chương trình sau nhiều năm nỗ lực, một chuyên gia khẳng định, bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thì chứng nhận OCOP là “bảo chứng” cho đơn vị sản xuất kinh doanh chinh phục người tiêu dùng thông minh.

Ngược lại, chứng nhận OCOP giúp đơn vị sản xuất kinh doanh tái cấu trúc vùng nguyên liệu nuôi trồng và đưa ra thị trường đa dạng chủng loại đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; người tiêu dùng yên tâm sử dụng các sản phẩm an toàn với giá cạnh tranh. Qua đó giúp thị trường tiêu dùng từng bước được loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

Triển khai có chiều sâu, hiệu quả và bền vững

Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý là sự biến mất của nhiều sản phẩm OCOP trong bảng xếp hạng bởi sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc hết thời hạn công nhận. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian ngắn đã có 3 sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận OCOP; 80 sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 13 sản phẩm đã tham gia phân hạng và được công nhận lại, còn lại 67 sản phẩm chưa được chủ thể đề nghị đánh giá lại.

Theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao có giá trị 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Song hiện có nhiều chủ thể OCOP không mặn mà với việc giữ hay nâng sao cho sản phẩm của mình vì hồ sơ, thủ tục mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí, trong khi việc được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao không mang lại sự đột phá nhiều cho sản phẩm, không mở rộng được thị trường tiêu thụ...

Một số chủ thể OCOP lý giải, Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng... Đây là những tiêu chí khó, cần thời gian thực hiện. Ngoài ra, kinh phí để hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại khá tốn kém, từ 30 - 40 triệu đồng/sản phẩm.

Ngoài ra, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

"Nếu tình trạng này tiếp diễn và xảy ra trong diện rộng thì Chương trình OCOP khó được triển khai có chiều sâu, hiệu quả và bền vững', một chuyên gia quan ngại.

Để giải giải quyết hết những vấn đề bất cập nêu trên, vị chuyên gia này khẳng định cần có sự cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ triển lãm, hoạt động du lịch, đưa sản phẩm OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.

Với mong muốn tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp bàn về giải pháp để chương trình OCOP phát huy hiệu quả, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền, hướng đến phát triển bền vững, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng tổ chức Tọa đàm "TIẾP SỨC SẢN PHẨM OCOP VƯƠN XA" vào lúc 9h00 ngày 12/7/2024 tại phòng 316, tầng 3, Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, số 504 Xã Đàn, TP. Hà Nội.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-tam-san-pham-ocop-theo-chieu-sau-153415.html