Nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được, không để 'tốt vay, dày nợ'
ĐBQH cho rằng, cần quy định chặt chẽ để bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, không để tình trạng khi có tiền tăng thu thì phung phí vào các dự án nhỏ lẻ, khi cần làm việc lớn, lại khó khăn nguồn vốn.
Tránh có tiền tăng thu nhưng phung phí vào dự án nhỏ lẻ
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Một vấn đề mà các đại biểu còn ý kiến khác nhau là việc nâng trần nợ vay của ngân sách địa phương.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Liên quan đến vấn đề tăng trần nợ vay của ngân sách các địa phương, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đã có cơ chế đặc thù cho tăng dư nợ vay ngân sách để đầu tư vào các dự án trọng điểm của địa phương; tuy nhiên chưa thấy đánh giá tổng kết về hiệu quả thực thi chính sách.
Cho rằng "dễ vay thì dày nợ", đại biểu lo ngại sẽ làm phân tán nguồn lực quốc gia nếu tăng trần nợ công cho các địa phương.
"Khi có tiền tăng thu thì phung phí vào các dự án nhỏ lẻ, khi cần làm việc lớn, lại khó khăn nguồn. Vì vậy cần quy định chặt chẽ để bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách nhà nước”, ông Lâm nói.
Lo ngại việc luật hóa để nâng tổng thể trần nợ vay tất cả các địa phương, theo ông Lâm, điều này có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn room vay nợ, không tập trung được nguồn lực cho các công trình dự án lớn quốc gia trong thời gian tới.
Về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, đại biểu đoàn Bắc Giang lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, cần ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng trước hết, cần ưu tiên cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thu vốn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) góp ý tại hội trường.
“Nếu có sử dụng cho dự án mới thì dự án đó cũng phải có trong kế hoạch đầu tư trung hạn và đủ điều kiện triển khai để thực hiện sớm hơn; không nên bố trí dàn trải vào các dự án bổ sung đột xuất. Nếu có yêu cầu đột xuất thì đã có các nguồn dự phòng để xử lý rồi”, ông Lâm nói.
Thực tế thời gian qua, nguồn này kể cả ở Trung ương và nhiều địa phương đã bố trí cho nhiều dự án không có trong trung hạn, chưa thực sự cấp bách, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên khó triển khai.
“Tiền trong két, nhưng không thể giải ngân, phải chuyển nguồn qua nhiều năm, góp phần tăng tổng chuyển nguồn, tăng tồn ngân quỹ ngân sách, trong khi nợ ngân sách đi vay vẫn phải trả lãi, lãng phí không nhỏ”, đại biểu cho hay.
Đáng lưu ý, ông Lâm còn phản ánh thực tế, có nơi còn chủ động dự toán thu thấp để tăng vượt thu hàng năm, nhằm bố trí cho những dự án ngoài kế hoạch.
“Khi có tiền tăng thu thì phung phí vào các dự án nhỏ lẻ, khi cần làm việc lớn, lại khó khăn nguồn. Vì vậy cần quy định chặt chẽ để bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách nhà nước”, ông Lâm nhấn mạnh.
Sau sáp nhập, cần hàng triệu tỷ để kết nối vùng, kết nối các địa phương
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc điều chỉnh tăng dư nợ vay của ngân sách địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) góp ý vào dự thảo luật.
Ông Ngân phân tích, việc thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập địa phương, từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố, rất cần nguồn lực kết nối nội thành, kết nối vùng, kết nối các địa phương, nên cần nguồn lực đầu tư rất lớn.
Tuy nhiên, việc này có thể sẽ làm tăng mức nợ công. Ông Ngân đề nghị xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt, như Hà Nội, TP.HCM, đang có nhiều dự án lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, cần nới rộng thêm mức trần nợ công.
Về nguồn thu từ đất, ông Ngân viện dẫn, theo kế hoạch đầu tư dự trù năm 2026 – 2030, TP HCM cần nguồn lực đầu tư công 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ đất khoảng 550 nghìn tỷ.
Nếu ngân sách Trung ương điều tiết 30%, tức là địa phương sẽ hụt thu 165.000 tỷ đồng trong 5 năm, trung bình mỗi năm hụt thu 33.000 tỷ.
“Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công của thành phố trong giai đoạn tới”, ông Ngân nói.
Trong khi đó, thành phố lại rất cần nguồn lực triển khai đường sắt đô thị, 10 năm cần khoảng 40 tỷ USD, trong 5 năm đầu cần khoảng 16 tỷ USD. Ngoài ra, cần nguồn lực để kết nối Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, mở rộng các quốc lộ, xây dựng nhiều cây cầu kết nối quan trọng…
“Nguồn thu từ đất chiếm vị trí rất quan trọng. Đề nghị trung ương xem xét, trước mắt có thể trong 10 năm chưa thu khoản này, nếu thu chỉ nên thu ở mức từ 5 – 10% là tối đa”, ông Ngân kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tiếp thu giải trình.
Nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được
Phát biểu giải trình tại phiên họp, về vấn đề tăng trần nợ vay cho các địa phương, nhiều đại biểu ủng hộ nhưng cũng có đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, khi tính toán tăng trần nợ công cho các địa phương, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ.
Hiện nay, trần nợ công Quốc hội cho phép là 60%, thực tế đến hết năm 2024 mới sử dụng khoảng 34,7% GDP, do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến đề xuất bội chi ngân sách nhà nước sẽ ở mức 5% và ngân sách địa phương sẽ ở mức 0,7%.
Đồng tình với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định, nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được hai vấn đề lớn: Kiểm soát nợ công, bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội và chất lượng vay, chất lượng các dự án sử dụng vốn vay, tránh trường hợp sử dụng không có hiệu quả, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.
"Cũng giống như khoản vay của ngân hàng, khoản vay của ODA, vay nước ngoài của Trung ương, Trung ương phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương cũng phải tính toán đến hiệu quả về kinh tế - xã hội và phải đảm bảo hiệu quả về tài chính", Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa rồi Bộ Chính trị chỉ đạo tăng thêm 1% chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, con số ước tính tăng thêm 25.000 tỷ và Bộ tài chính đã phải cân đối và tham mưu, tìm nguồn để bố trí đủ 25.000 tỷ này phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để quy định trong nghị định hướng dẫn nhằm đảm bảo được mục tiêu này.