Tránh tình trạng 'nộp dễ, hoàn khó' trong giảm thuế VAT

Một số đại biểu Quốc hội góp ý cần tránh tình trạng 'nộp thuế dễ, hoàn thuế khó' để chính sách giảm VAT được thẩm thấu nhanh vào nền kinh tế.

Quốc hội đã thảo luận ở hội trường chiều 28/5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng VAT.

Với 31 ý kiến đóng góp tại tổ, 4 ý kiến góp ý tại hội trường, đa số các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng. Lần này, việc giảm thuế kéo dài thêm 1,5 năm, tức là hết năm 2026 được cho là khoảng thời gian đủ dài để để kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần vào tăng trưởng. Đại biểu góp ý đưa thêm tín dụng vào diện giảm thuế VAT.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: “Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét giảm VAT xuống 8%, giúp người dân là cá nhân và doanh nghiệp vay vốn sẽ tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn”.

Một số đại biểu nêu vấn đề trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc giảm VAT, tránh tình trạng nộp thuế thì dễ, mà hoàn thuế VAT thì khó.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: “Tôi đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu thuế giá trị gia tăng và cơ quan hoàn thuế giá trị gia tăng, hiện nay vấn đề này đang gây bức xúc trong doanh nghiệp vì họ nộp thuế thì dễ mà hoàn thuế rất khó. Ví dụ, doanh nghiệp bây giờ nộp chậm VAT là phạt, nhưng hoàn thuế VAT thì lại chậm. Nếu mà doanh nghiệp chứng minh người ta đúng mà muộn trả hoàn thuế cho người ta, cơ quan hoàn thuế cũng phải chịu trách nhiệm tương tự như thế”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết: “Các cơ quan thuế của nhà nước là tỉnh nọ nợ tỉnh kia thuế VAT. Nhưng doanh nghiệp là người đứng giữa và phải đi đòi nhiều năm rồi. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành thì các cơ quan ấy sáp nhập vào đâu không biết, doanh nghiệp có thể không đòi được vì cơ quan cũ không còn nữa. Tôi đề nghị đã giảm VAT cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp giảm khó khăn thì tại sao ta không giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đi đòi VAT?”

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ làm giảm thu ngân sách 39,5 nghìn tỷ đồng năm 2025 và 82,2 nghìn tỷ đồng năm 2026. Việc giảm VAT giảm làm thu ngân sách nhưng lại có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Chính phủ đã có giải pháp đề bù đắp cho khoản hụt từ thu thuế VAT. Về băn khoăn của đại biểu trong thủ tục hoàn thuế, Bộ trưởng cho biết sẽ lưu ý vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Có những đối tượng thuộc diện được hoàn thuế trước, hải quan làm rất nhanh. Còn trường hợp hoàn thuế sau, sau khi kiểm tra chứng từ tối đa là 40 ngày thì các cơ quan có nghĩa vụ phải hoàn thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có trường hợp thời gian dài hơn. Do đó, chúng tôi sẽ chấn chỉnh để đảm bảo thời gian hoàn thuế sớm nhất có thể”.

Về đề xuất giảm VAT với tín dụng, bộ trưởng cho biết lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không thuộc chịu thuế VAT nên không thuộc diện giảm vì không phải nộp. Bộ trưởng cho biết trước kỳ giảm thuế kết thúc, Chính phủ sẽ có tính toán kỹ lưỡng chính sách giảm VAT có tác động cụ thể như thế nào với doanh nghiệp, với người tiêu dùng để cân nhắc kiến nghị giảm thuế tiếp hay dừng chính sách này.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tranh-tinh-trang-nop-de-hoan-kho-trong-giam-thue-vat-336012.htm