'Nàng út ống tre' khởi nghiệp với hoa sáp
Với nghị lực 'tàn nhưng không phế', Bùi Thị Yến Nhi (27 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã quyết tâm khởi nghiệp với nghề làm hoa sáp. Công việc không chỉ mang lại cuộc sống ngày một tốt hơn cho chị mà còn giúp đỡ, tạo thu nhập cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
"Nàng út ống tre" là biệt danh mà bạn bè đặt cho Bùi Thị Yến Nhi. Sinh ra có phần kém may mắn hơn các bạn bè cùng trang lứa, với thân hình nhỏ nhắn và phải di chuyển bằng 10 đầu ngón chân. Thế nhưng, ngay từ nhỏ, Bùi Thị Yến Nhi không chấp nhận buông xuôi cho số phận mà nỗ lực không ngừng trong học tập cũng như công việc để có được cuộc sống tốt đẹp. Nhiều năm qua, Yến Nhi đã khởi nghiệp với nghề làm hoa sáp và đã có được thành công nhất định.
Yến Nhi cho rằng, để khởi nghiệp thành công thì phải có niềm đam mê và cái tâm. Bản thân người bán sản phẩm khởi nghiệp phải biết đặt bản thân vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu; phải lắng nghe được những phản hồi, suy nghĩ, cảm xúc của họ. Chính vì thế, dù có rất đông khách hàng nhưng chị vẫn dành thời gian để đọc từng tin nhắn, phản hồi của khách hàng. Nếu khách hàng phản ánh đúng thì tiếp thu điều chỉnh, khắc phục ngay để sản phẩm, dịch vụ ngày càng trở nên tốt hơn.
+ Vậy cơ duyên nào khiến "Nàng út ống tre" quyết định khởi nghiệp với nghề làm hoa sáp?
Chị Bùi Thị Yến Nhi: Lúc trước, tôi mong muốn đi theo nghề dược với suy nghĩ sau khi học xong thì có thể tự mình kinh doanh, bán thuốc tại nhà; điều này phù hợp với điều kiện thể chất, sức khỏe của bản thân. Tôi có thi đại học và đậu nhưng do không đáp ứng được tiêu chí sức khỏe nên không thể tiếp tục theo học.
Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống thì phải tự tin, bản lĩnh, biết sống với đam mê của mình.
Bùi Thị Yến Nhi
Sau đó, gia đình mong muốn tôi làm các đồ thủ công mỹ nghệ như đan lục bình. Nhưng tôi thấy ngành nghề này khó phát triển, chẳng lẽ mình lại đi làm công hoài, thu nhập lại thấp.
Trong hoàn cảnh đó, tôi nghĩ đến nghề làm hoa sáp, công việc mà tôi cũng đã biết đến từ lúc còn nhỏ. May mắn, có một người bạn biết được sở thích của tôi nên đã hỗ trợ tìm nguồn hàng để làm. Tuy nhiên, một thời gian sau, vì không được người bạn hỗ trợ nữa nên tôi tự mình lặn lội đi lên TPHCM để tìm nguồn hàng. Đi lại khó khăn nhưng nếu như lấy nguồn hàng ở địa phương thì giá cao, bán ra sẽ không có lời.
Để sản phẩm được nhiều người biết hơn, tôi đưa ra chợ gần nhà để bán. Rồi sau đó đăng bán trên trang mạng xã hội. Càng ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm cũng như giúp đỡ tôi nhiều hơn. Hội LHPN các cấp cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, góp phần giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện cũng như được nhiều khách hàng biết đến hơn.
+ Các sản phẩm hoa sáp đều do Yến Nhi tự mày mò để làm ra sao?
Chị Bùi Thị Yến Nhi: Thực tế, để làm ra các sản phẩm hoa sáp đến tay người tiêu dùng là một quá trình khó khăn. Tôi phải tự mày mò, học hỏi, không có một người nào chỉ dạy trực tiếp cả.
Dự án "Mô hình sản xuất và kinh doanh hoa sáp" (Hoa Út Nhi) của chị Bùi Thị Yến Nhi cũng vừa đoạt giải Ba tại vòng chung kết Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 cấp vùng miền Nam được tổ chức tại tỉnh Bến Tre.
Đây là đam mê của tôi. Tôi tự học hỏi từ intermet, rồi từ đó có những sáng tạo. Cứ thế, dần dần có thêm nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của tôi. Tôi không bán lẻ nữa mà chuyển sang bán sỉ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tôi cũng hỗ trợ cho các bạn khuyết tật bằng cách dạy nghề miễn phí cho các bạn. Các bạn bán sản phẩm, trở thành cộng tác viên bán hàng cũng sẽ có thu nhập. Hiện đang có khoảng 20 bạn khuyết tật tham gia bán các sản phẩm hoa sáp của tôi.
Khó khăn lớn nhất của tôi là gặp bất tiện trong việc đi lại, di chuyển. Bên cạnh đó, cũng có khách hàng không hiểu thì "boom hàng"; nhưng khi có kinh nghiệm rồi thì mình sẽ khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng trên.
+ Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm hoa sáp, vậy sản phẩm hoa sáp Út Nhi có gì nổi bật để thu hút người tiêu dùng?
Chị Bùi Thị Yến Nhi: Tôi nghĩ rằng lợi thế của bản thân là có thể làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng muốn mẫu mạ nào thì tôi cũng có thể đáp ứng được. Giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, tôi cũng tận dụng tài nguyên bản địa của địa phương. Trong đó, tôi có sử dụng cây lúa để làm ra các sản phẩm. Bên cạnh thị trường trong nước thì hiện nay, các sản phẩm hoa sáp Út Nhi còn được bán ra thị trường nước ngoài như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…
+ Định hướng của chị trong thời gian sắp tới là gì?
Chị Bùi Thị Yến Nhi: Trong thời gian tới, tôi mong muốn đưa các sản phẩm của mình vào các điểm du lịch để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Qua đó, giúp lan tỏa vẻ đẹp của quê hương Hậu Giang đến với nhiều người hơn nữa. Tôi cũng sẽ khai thác thêm lợi thế của cây tre, lục bình… đưa vào các sản phẩm của mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ !
Liên hệ: Chị Bùi Thị Yến Nhi
Địa chỉ: Thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Điện thoại: 085 2308408
Giá sản phẩm: Từ 15.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng, tùy vào sản phẩm.