Nắp kênh thoát nước 21 năm 'cõng xe': Xây dựng cầu tạm để người dân đi lại

Sau khi Báo Giao thông phản ánh một tuyến đường xã Đạ Đờn 21 chia cắt vì một dòng suối nhỏ, huyện Lâm Hà tìm giải pháp làm cầu giúp người dân

Ngay sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh “Nắp kênh thoát nước 21 năm “cõng xe” thay đường giao thông ở Lâm Đồng”, ông Nguyễn Văn Sơn, tân Bí thư huyện ủy Lâm Hà đã có ý kiến với UBND huyện Lâm Hà.

Ngày 10/4, UBND Lâm Hà thành lập đoàn kiểm tra gồm: Phòng Tài nguyên môi trường, UBND xã Đạ Đờn, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Lâm Hà đi thực tế điểm chia cắt giao thông tại con suối cắt qua tuyến giao thông tại thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn.

Con đường lớn không có cầu qua suối, ngành thủy lợi buộc phải cho người dân đi trên lắp kênh thủy lợi, và làm 2 lan can để bảo đảm ATGT

Con đường lớn không có cầu qua suối, ngành thủy lợi buộc phải cho người dân đi trên lắp kênh thủy lợi, và làm 2 lan can để bảo đảm ATGT

Đoàn công tác ghi nhận thực tế kênh cầu máng N3 là điểm nút thắt của tuyến đường nông thôn, nối liền khu vực sản xuất nông nghiệp và một số khu dân cư của thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn. Lưu lượng người và phương tiện có nhu cầu qua lại tại vi trí kênh cầu máng N3 trong những năm gần đây là rất cao. Trong khi đó, kênh cầu máng N3 được thiết kế bê tông mỏng, mặt nắp kênh hẹp (1,2m) chỉ cho phép lưu thông với tải trọng nhỏ, nên không phù hợp với nhu cầu lưu thông thực tế hiện nay.

Đến năm 2021 lan can 2 bên máng kênh thủy lợi bị gẫy sập hoàn toàn, gây mất ATGT cho người dân đi qua đây

Đến năm 2021 lan can 2 bên máng kênh thủy lợi bị gẫy sập hoàn toàn, gây mất ATGT cho người dân đi qua đây

Biên bản kiểm tra cũng chỉ rõ, tình hình phát triển khu dân cư ở hai bên bờ suối tiêu Đạ Bon tăng lên khá nhanh, nhu cầu lưu thông hàng hóa với tải trọng lớn đi suối tiêu Đạ Bon thông qua vị trí kênh cầu máng N3 rất cao.

Hiện tại, khu vực xung quanh hai bên suối tiêu có 30 hộ dân sinh sống, muốn vận chuyển hàng hóa có tải trọng lớn, cồng kềnh phải đi đường vòng, gặp nhiều khó khăn. Thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn có khoảng 100 hộ dân, hoạt động lưu thông hàng hóa và đi lại chủ yếu qua kênh cầu máng N3.

Vì vậy, nhu cầu xây dựng cầu bê tông bắc qua suối tiêu thuộc thôn Đạ Bon, xã Đạ Đờn để giải quyết nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân ở hai bên bờ suối tiêu trở nên cấp thiết.

Được doanh nghiệp hỗ trợ ống cống, nhưng vẫn phải bỏ đó lâu ngày vì thiếu kinh phí thi công

Được doanh nghiệp hỗ trợ ống cống, nhưng vẫn phải bỏ đó lâu ngày vì thiếu kinh phí thi công

Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra thống nhất đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục.

Cụ thể, trước mắt xây dựng cây cầu tạm ở phía thượng lưu kênh cầu máng N3 bằng hai hàng cống bê tông đường kính 1,5m, bảo đảm lưu thông hàng hóa của người dân và không cản trở tiêu thoát nước phía thượng lưu kênh cầu máng N3. UBND xã Đạ Đờn sẽ chủ trì, phối hợp với Trạm quản lý KTTL Lâm Hà triển khai xây dựng.

Về lâu dài phải xây dựng cây cầu bằng bê tông xi măng cốt thép bảo đảm thông suốt tuyến đường nông thôn để lưu thông giữa thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn. Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với phòng đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện chủ trương xây dựng cây cầu này.

Được biết, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Lâm Hà đã chủ động xin doanh nghiệp hỗ trợ được 6 tấm ống cống D1500, thiếu khoảng 5 tấm nữa. Tính cả chi phí lấp đất đổ bê tông mặt đường, địa phương còn cần thêm khoảng 100 triệu đồng. Người dân tự bố trí nhân lực, thiết bị máy móc để thi công.

Như Báo Giao thông đã phản ánh, tại thôn Yên Thành đang có đường giao thông nông thôn song song với kênh tưới tiêu thủy lợi tuyến kênh N3 (đường N3), nhưng bị chia cắt bởi con suối tưới tiên nhỏ, tạo thành vị trí "thắt nút cổ chai" xe ô tô không thể lưu thông được.

Ông Trần Khắc Hữu, Chủ tịch mặt trận thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn cho biết: “Không có cầu qua suối, thôn Yên Thành ra làm 2, từ năm 2002, chúng tôi được đi nhờ trên mặt kênh thủy lợi, nhưng theo năm tháng lan can kênh bị đổ gãy, đường bê tông trên mặt kênh bị vỡ, lọt cả bánh xe máy.

Mỗi lần như vậy, người dân trong thôn phải ra vá lại vết vỡ mặt kênh, kiếm tre gỗ cột chặt lại làm thành lan can tạm cho xe máy đi. Đến năm 2021, lan can 2 bên cầu bị sập hoàn toàn, mặt kênh bị vỡ nham nhở”.

Văn Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nap-kenh-thoat-nuoc-21-nam-cong-xe-xay-dung-cau-tam-de-nguoi-dan-di-lai-d587543.html