NASA tìm cách khai thác khoáng sản trên Mặt Trăng
NASA nhen nhóm kế hoạch khai thác đất hiếm và sắt trên Mặt Trăng vào đầu những năm 2030, Reuters đưa tin, dẫn lời một nhà khoa học tên lửa của cơ quan này.
Theo Gerald Sanders, NASA ban đầu sẽ khám phá sự phát triển của oxy và nước trên Mặt trăng, sau đó sẽ xem xét thăm dò khai thác quặng sắt và đất hiếm.
“Chúng tôi đang cố gắng đầu tư vào giai đoạn thăm dò, tìm hiểu các nguồn tài nguyên để tránh rủi ro, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình phát triển và sản xuất”, ông Sanders, nhà khoa học tên lửa cho biết tại một sự kiện của ngành khai thác mỏ ở Australia.
Các kế hoạch là một phần của sứ mệnh Artemis mà NASA đang tổ chức, nhằm mục đích thu thập kiến thức từ chuyến thăm thứ hai tới Mặt trăng mà sau đó cơ quan này có thể sử dụng cho sao Hỏa, ông Sanders giải thích.
Ông nói thêm rằng một trong những mục đích của sứ mệnh là định lượng các nguồn tài nguyên có sẵn trên Mặt trăng để NASA có thể thu hút đầu tư vào các nỗ lực thăm dò của mình.
Sanders cũng cho biết NASA sẽ gửi một mũi khoan thử nghiệm lên bề mặt Mặt trăng vào cuối tháng này, đồng thời cho biết thêm rằng các hoạt động khai quật quy mô lớn được lên kế hoạch vào năm 2032.
Tuy nhiên, trọng tâm ban đầu của sứ mệnh Mặt trăng sẽ là oxy - nó rất quan trọng để biến phần còn lại trong kế hoạch của NASA thành hiện thực.
NASA coi sứ mệnh Artemis là bước đệm trên con đường chinh phục sao Hỏa. Dự án này cũng nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng, để khai thác tài nguyên khoáng sản.
Khai thác tài nguyên của Mặt Trăng để phục vụ cuộc sống trên Trái Đất là ý tưởng giống như được lôi ra từ các tác phẩm khoa học viễn tưởng xa xôi. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới đã xuất hiện một cuộc đua như thế, giữa các cường quốc hàng đầu, với mục tiêu trước mắt là khí Helium-3.
Trung Quốc cũng không giấu diếm mong muốn khai thác nguồn khoáng sản của Mặt Trăng. Asia Times đưa tin Giáo sư Ouyang Ziyuan, Khoa học gia trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc vào năm 2019 tuyên bố Mặt Trăng rất dồi dào Helium-3, tới mức nó có thể giúp giải quyết nhu cầu năng lượng của nhân loại “trong ít nhất 10.000 năm”.
Khánh Vy (Theo Oilprice)