Nền giáo dục tốt nhất thế giới xử lý bạo lực học đường như thế nào?
Phần Lan đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện hàng đầu trên thế giới.
Bạo lực học đường không phải vấn đề của riêng quốc gia nào. Trên thực tế, ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như Phần Lan cũng phải đối mặt. Quốc gia Bắc Âu này đã tiến hành nhiều chương trình hành động ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.
Xây dựng nhóm dịch vụ hỗ trợ trường học
Chương trình bắt nguồn từ Đạo luật học sinh và phúc lợi học sinh (năm 2014). Dưới đạo luật này, Phần Lan đã thành lập nhóm dịch vụ hỗ trợ bao gồm nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau như giáo dục - y tế - tâm lí - xã hội ở các trường học.
Nhóm này bao gồm hiệu trưởng, giáo viên giáo dục đặc biệt, chuyên gia tâm lí, cố vấn xã hội trường học, y tá trường học và đại diện phụ huynh. Chương trình tiến hành những hoạt động thiết thực hỗ trợ học sinh giải quyết những vấn đề, phát triển thể chất, tâm lí và tương tác xã hội.
Thực hiện chương trình chống bạo lực học đường toàn quốc
Chính phủ Phần Lan đã thực hiện cách tiếp cận toàn diện giải quyết vấn đề bắt nạt học đường. Nước này đã thực hiện chương trình quốc gia mang tên "KiVa Koulu" (có nghĩa "chống lại bạo lực học đường").
Chương trình đã được phát triển năm 2007 bởi những giáo viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Turku, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Phần Lan, thí điểm tại 11 trường học vào năm 2008 và chính thức triển khai rộng rãi trên cả nước vào năm 2009.
Chương trình này dựa trên 3 nguyên tắc phòng ngừa, can thiệp và giám sát, được thiết kế để tạo ra một môi trường học đường an toàn và hỗ trợ cho tất cả học sinh.
Phòng ngừa
Phòng ngừa là nền tảng đầu tiên của KiVa. Chương trình nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng bắt nạt xảy ra bằng cách tạo ra một môi trường học đường tích cực, khuyến khích sự tôn trọng, đồng cảm và tinh thần trách nhiệm giữa các học sinh.
KiVa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy học sinh các kỹ năng xã hội và cảm xúc ví dụ giao tiếp, giải quyết xung đột và tự kiểm soát. Những kỹ năng này giúp học sinh xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè đồng trang lứa và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả.
KiVa cũng thúc đẩy văn hóa hòa nhập và đa dạng trong trường học. Chương trình khuyến khích học sinh ghi nhận và tôn trọng sự khác biệt và tôn vinh cá tính của mỗi người. Giáo viên và nhân viên nhà trường được đào tạo để xây dựng một môi trường học đường thân thiện và hỗ trợ, thừa nhận sự đa dạng và thúc đẩy sự gắn kết xã hội.
Can thiệp
Can thiệp là trụ cột thứ hai của KiVa. Chương trình nhằm mục đích can thiệp sớm, ngăn chặn nạn bắt nạt chớm nở, leo thang, cung cấp hỗ trợ cho cả nạn nhân và thủ phạm các vụ bắt nạt.
KiVa cung cấp cho giáo viên các công cụ và chiến lược để xác định và giải quyết vấn nạn bắt nạt một cách hiệu quả. Giáo viên được đào tạo để nhận biết các dấu hiệu và can thiệp sớm ngăn vấn đề phát triển lên.
KiVa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ huynh tham gia vào quá trình can thiệp. Phụ huynh được khuyến khích phối hợp với giáo viên để tạo ra một môi trường gia đình hỗ trợ và củng cố các giá trị và hành vi tích cực ở con cái.
KiVa cũng cung cấp cho phụ huynh thông tin về cách nhận biết các dấu hiệu và phương hướng hỗ trợ con cái đối phó với các hành vi bắt nạt.
Giám sát
Giám sát là nền tảng thứ ba của KiVa. Chương trình nhằm theo dõi hiệu quả của các biện pháp chống bắt nạt được thực hiện trong trường học. KiVa cung cấp cho trường học các công cụ và chiến lược đánh giá hiệu quả các chính sách chống bắt nạt và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Hiệu quả rõ rệt
Chương trình KiVa đã được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng bắt nạt trong môi trường học đường tại Phần Lan.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Salmivalli, Kärnä, và Poskiparta đăng trên Tạp chí Quốc tế về Phát triển Hành vi, dữ liệu từ hơn 200 trường học Phần Lan cho thấy, sau năm đầu tiên triển khai, chương trình đã giảm đáng kể tất cả các hình thức bắt nạt.
Ngoài ra, KiVa cũng đem lại tác động tích cực đến sự yêu thích trường học, động lực học tập, thành tích học thuật, giảm sự lo lắng và tăng nhận thức của học sinh về bạn bè. Trong số những học sinh bị bắt nạt đã được nhóm KiVa của trường giải quyết, 98% cảm thấy rằng tình hình của các em đã được cải thiện.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học California Los Angeles (2016) khảo sát hơn 7.000 học sinh từ lớp 4 đến lớp 6 tại gần 80 trường tiểu học Phần Lan, trong đó khoảng một nửa trường áp dụng biện pháp KiVa trong khi số còn lại không. Kết quả cho thấy rằng KiVa đã giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực học đường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy KiVa cũng có hiệu quả ở các nước, khu vực khác, như Hà Lan, Estonia, Italia và xứ Wales. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng KiVa rộng rãi trên toàn cầu vẫn còn là câu hỏi mở.
Tử Huy (Theo KiVa Program)