Nền giáo dục trước cơ hội lớn
Sau 5 năm xây dựng, hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến toàn xã hội với hàng loạt nội dung sửa đổi như: quy định về hoạt động KH-CN của cơ sở giáo dục, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quy định giao thẩm quyền cho hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho trưởng phòng GD-ĐT cấp huyện; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho giám đốc sở GD-ĐT… Đây đều là những thay đổi phù hợp với xu thế hiện nay.
Trước hết, chủ trương bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế. Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi, phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực điều hành, góp phần xóa bỏ khâu trung gian hành chính không cần thiết.
Dự thảo luật cũng đã đặt trọng tâm cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. Những điều chỉnh này được kỳ vọng giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học và nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục; khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư vào giáo dục ngoài công lập và mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục…
Giáo dục luôn nhận được nhiều sự quan tâm nhất của người dân. Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để thực hiện chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Bởi, một quốc gia muốn phát triển không thể thiếu một nền giáo dục, đào tạo chất lượng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, phù hợp xu thế quốc tế.
Thế nhưng, nền giáo dục của nước ta dù đã có thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, chưa đáp ứng mong mỏi của người dân vốn có truyền thống hiếu học. Điều đó đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và quan trọng hơn là có những đột phá.
Việt Nam đang thực hiện “bộ tứ chiến lược” theo các nghị quyết của Bộ Chính trị: phát triển đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Nghị quyết 57); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Nghị quyết 68).
Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển GD-ĐT, trong đó hướng tới mục tiêu đến hết năm 2035 hoàn thành phổ cập THPT, phổ cập tiếng Anh, năng lực số và trí tuệ nhân tạo ở từng cấp học… Bối cảnh đó đang tạo cơ hội lớn để giải quyết những “điểm nghẽn” trong giáo dục, khắc phục triệt để những hạn chế mà bấy lâu nay xã hội vẫn “phàn nàn”.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển GD-ĐT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ tạo nên bước chuyển lớn để giáo dục đáp ứng kỳ vọng của mọi người dân, phục vụ hiệu quả mục tiêu chung đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và hùng cường của dân tộc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nen-giao-duc-truoc-co-hoi-lon-post796126.html