Nên hay không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?
Bộ Tài chính chủ kiến sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường, trong khi các doanh nghiệp lại đề xuất không đưa vào nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Doanh nghiệp lo đội giá, ế hàng
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, trong đó có đồ uống có đường, đang gây nhiều ý kiến trong dư luận.
"Là Luật thuế tác động trực tiếp tới giá sản phẩm, có lẽ dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là một trong những dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.
Những sửa đổi trong dự án luật sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng. Vì thế, những “người trong cuộc”, cụ thể là đại diện các ngành hàng liên quan tới sản phẩm có mặt trong dự án Luật là doanh nghiệp sản xuất đồ uống có đường đều mang nhiều tâm tư.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đề xuất Bộ Tài chính chưa bổ sung đồ uống có đường, mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam vào dự thảo lần này.
"Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất. Đây cũng không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, Hiệp hội đề nghị không áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng, trong khi gây ra các đác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế", bà Vân Anh phân tích.
Cũng theo đại diện VBA, kể từ khi đại dịch COVID-19, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Hơn nữa, theo phân tích của bà Vân Anh, bệnh thừa cân, béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau đến từ đường, muối, chất béo, thực phẩm nhiều calo khác.
Đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB, khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.
"Với sản phẩm nước giải khát siro đóng chai tại trường học, Nhà nước không thu được thuế, lại không đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi chuyển sang tiêu thụ những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe", bà Vân Anh dẫn chứng.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi), bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân khi ban hành chính sách thuế, song chính sách cần sửa đổi phù hợp. Bà Hà băn khoăn về công cụ thuế có thực sự góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tiểu đường hay không. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Hà cho biết giảm tiêu thụ đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm bệnh không lây nhiễm, vì bệnh có nhiều nguyên nhân.
Nước uống có đường là thủ phạm gây thừa cân béo phì?
Phân tích kỹ hơn, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì, vì vậy, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. TS Dũng chỉ ra các giải pháp phòng chống thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm như giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe; sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm; chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng caochất lượng bữa ăn; tăng cường các hoạt động thể chất; giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà…
Từ góc độ chuyên gia thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy để thay đổi hành vi người tiêu dùng, biện pháp hành chính tốt hơn biện pháp thuế.
TS Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) phân tích: Luật Thuế TTĐB phải thực sự điều tiết được tiêu dùng, mục tiêu cao nhất của sắc thuế này là hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội.
Mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.
Trong khi đó, là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho biết hiện tổ chức này chưa đưa ra ý kiến góp ý chính thức mà chờ tham vấn ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội để có ý kiến xác đáng hơn; doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác nhất thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, để đóng góp tích cực cho dự thảo thời gian tới; từ đó, cơ quan Nhà nước sẽ cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu nhất.