Nên mở phạm vi cho người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập được mua nhà ở xã hội

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nên mở phạm vi cho người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân được mua nhà ở xã hội là hợp lý. Bởi hiện nay ngưỡng đóng thuế thu nhập thấp, trong khi họ phải đóng mức giảm trừ gia cảnh (vợ con), đáng lẽ ra cần phải biểu dương trong xã hội.

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Liên quan đến chính sách nhà ở xã hội trong dự thảo Luật có quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đáng chú ý trong đó là 3 đối tượng: Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Về điều kiện của hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó với điều kiện về thu nhập, dự thảo Luật quy định 3 đối tượng nêu trên để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Trong khi đó với điều kiện về nhà ở, dự thảo Luật quy định một số đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nếu thuộc diện phải nộp thuế thu nhập sẽ không được mua nhà ở xã hội. Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không áp dụng chính sách này đối với nhóm “người lao động có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” để bảo đảm việc thực thi chính sách hướng đến nhóm người có thu nhập thấp, có khó khăn về chỗ ở.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét lại quy định công nhân đang làm việc tại công ty trong khu công nghiệp là đối tượng được xem xét mua nhà ở xã hội nếu đảm bảo họ không phải là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân.

“Cần xem xét lại quy định về mức thu nhập cá nhân phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay, vì theo ý kiến của rất nhiều công nhân, người lao động, quy định này đến thời điểm hiện nay đã lạc hậu. Phần thu nhập của người lao động có thể vượt mức để phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với thu nhập đó, họ phải nuôi thêm 2 đứa con. Và mức chi phí hiện nay cho các hàng hóa đảm bảo thiết yếu đảm bảo cho đời sống của họ thì lại không có dư. Nếu giữ quy định này, họ sẽ không có tiền để mua nhà được. Do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nên mở phạm vi cho người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân được mua nhà ở xã hội là hợp lý. Bởi hiện nay ngưỡng đóng thuế thu nhập thấp, trong khi họ phải đóng mức giảm trừ gia cảnh (vợ con), đáng lẽ ra cần phải biểu dương trong xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê mua/thuê nhà ở xã hội.

“Tôi đề nghị các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận. Thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.

Đại biểu tỉnh Điện Biên cũng cho rằng cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định bố trí tỷ lệ diện tích đất nhất định (theo quy định của luật hiện hành là 20%) trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội...

Còn theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-mo-pham-vi-cho-nguoi-lao-dong-thuoc-dien-phai-dong-thue-thu-nhap-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-156701.html