Nên phá sản các doanh nghiệp 'nợ xấu' trái phiếu?

Rủi ro vỡ nợ trái phiếu xảy ra ở tất cả các thị trường, nhà đầu tư phải có ý thức trách nhiệm với khoản đầu tư của mình, cần hiểu khi ra quyết định đầu tư.

Các chuyên gia nhìn nhận việc kéo dài/gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu đối với các TCPH yếu kém có thể gây nhiều hệ lụy đến thị trường. Ảnh minh họa: FreePik.

Các chuyên gia nhìn nhận việc kéo dài/gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu đối với các TCPH yếu kém có thể gây nhiều hệ lụy đến thị trường. Ảnh minh họa: FreePik.

Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 1 tháng trở lại đây ghi nhận nhiều tổ chức phát hành (TCPH), đặc biệt là các đơn vị trong nhóm bất động sản, xin “khất” nợ gốc và lãi trái phiếu.

Chẳng hạn, đó là CTCP Fuji Nu tri Food vào ngày 13/8/2024 đã công bố thông tin về việc chậm thanh toán 998 tỷ đồng gốc trái phiếu mã FNFCH2223001 (ngày thanh toán dự kiến là 21/8/2024) với lý do chưa thu xếp kịp nguồn vốn thanh toán.

Tháng 9 năm ngoái, công ty cũng cho biết chậm thanh toán 20,87 tỷ đồng lãi trái phiếu FNFCH2124001 với lý do tương tự.

Một cái tên khác là Công ty TNHH Đầu tư Big Gain với trái phiếu BGICH2124001 (chậm thanh toán 8,9 tỷ đồng lãi trái và 78,4 tỷ đồng gốc) và BGICH2124002 (chậm thanh toán 49,7 tỷ đồng lãi trái và hơn 438 tỷ đồng gốc). Big Gain cho biết đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư về lộ trình thanh toán gốc và lãi.

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều trường hợp chậm trả gốc/lãi trái phiếu như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (các lô NVLH2123007, NVL2020-01-400,NVL2020-01-480,NVL2020-01-500), CTCP Đường Man (DMBOND2017), Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức (GDUCH2131001)…

Diễn biến này đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Theo ước tính của VIS Ratings, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025 vẫn còn rất lớn.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP (ban hành 5/3/2023) dù đã hết hiệu lực, song có 2 điểm sửa đổi vẫn được tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần. Đó là doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố; và nếu không thể thanh toán trái phiếu bằng đồng Việt Nam, doanh nghiệp có thể thanh toán bằng tài sản khác như căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, hoặc giấy tờ có giá trị khác, với điều kiện phải được người sở hữu trái phiếu chấp nhận.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi của TCPH. Bởi, dù được kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm, điểm rơi đáo hạn gốc trái phiếu (kỳ hạn mới) của các TCPH được xác định sẽ rơi vào giữa năm 2025. Việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu của TCPH, đặc biệt là với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục, khiến giới chuyên gia lo lắng sẽ có những tác động tiêu cực đến thị trường.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận:”Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn và làm mất niềm tin nhà đầu tư, tôi cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại”.

Đồng tình quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng. Mọi sự phát triển dựa trên quy luật đào thải, nếu không sẽ như "cơ thể ăn không tiêu, sẽ có rất nhiều bệnh".

Vị chuyên gia này dẫn giải trường hợp ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thì phải công khai, có hội đồng chủ nợ họp lại, hoặc họ thuê tổ chức độc lập đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp để đánh giá nên bảo hộ phá sản, hay cho phá sản.

Tổng Thư ký VBMA cũng nhấn mạnh dù có cơ chế đàm phán, song ít nhà đầu tư cá nhân đủ năng lực đánh giá về trái phiếu. Do đó, họ dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn khi trái phiếu sắp đáo hạn mà TCPH không thể trả nợ, và buộc phải chấp nhận đàm phán gia hạn.

Về phần mình, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận doanh nghiệp Việt Nam bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì “đống” nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện tiếp theo sẽ giải quyết thế nào?

Mặt khác, chính các nhà đầu tư cũng ưu tiên việc thương lượng hơn. Điều này xuất phát từ việc thời gian thông qua tòa án để thu hồi các khoản trái phiếu doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán đều lâu hơn nhiều so với thời gian xử lý thông qua thương lượng ngoài tòa án ở hầu hết các thị trường. Bên cạnh đó, việc xác lập thủ tục phá sản để thu hồi nợ chỉ có thể mang lại cho chủ nợ số tiền không quá 40% nợ gốc (số liệu thống kê theo VIS Rating).

Nhà đầu tư cần chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư trái phiếu

Song song với việc hoàn thiện Luật phá sản, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư phải có ý thức trách nhiệm với khoản đầu tư của mình, cần hiểu khi ra quyết định đầu tư và chấp nhận mất tiền.

Cuộc khủng hoảng Lehman Brothers phá sản (giai đoạn 2008-2011) là minh chứng điển hình. Theo đó, nhiều nhà đầu tư “mini bond” (trái phiếu mệnh giá nhỏ) tại Hong Kong (Trung Quốc) đã biểu tình, đổ lỗi Chính phủ thiếu trách nhiệm. Vấn đề ở đây là Chính phủ đã cho phép bán các sản phẩm tài chính với mức độ rủi ro mà đến Chính phủ cũng không hiểu.

Sau này, các cơ quan quản lý Nhà nước (trong đó có Hong Kong) đã đưa ra tuyên bố miễn trừ trách nhiệm trong các đợt chào bán. Họ liệt kê các rủi ro trong sản phẩm tài chính đó. Và, nhà phân phối phát hành phải làm việc và yêu cầu nhà đầu tư ký miễn trừ trách nhiệm.

Từ đó, có thể thấy không có sản phẩm tài chính nào không có rủi ro, chỉ là ít hay nhiều, nhà đầu tư cần tự xác lập khẩu vị rủi ro. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhìn nhận:”Thực tiễn cho thấy, mục tiêu của bất cứ chính sách nào cũng phải gắn với đặc điểm phát triển từng giai đoạn. Cơ quan quản lý cần phân tích đúng giai đoạn phát triển để xây dựng đúng cơ chế chính sách nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư cá nhân một cách hợp lý, chứ không bảo vệ hoàn toàn.

Tóm lại, việc vỡ nợ trái phiếu (nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp) có thể xảy ra ở tất cả các thị trường và nhà đầu tư phải học cách chấp nhận đối mặt khi lựa chọn kênh đầu tư này. Thực tế, một số ngân hàng thậm chí cũng phải trích lập dự phòng vì nợ xấu trái phiếu.

Do đó, nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư là một trong những yêu cầu bắt buộc để hướng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.

Theo Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/nen-pha-san-cac-doanh-nghiep-no-xau-trai-phieu-220182.html