Nền tảng để Tp.HCM tăng trưởng kinh tế số năm 2025
Tp.HCM đặt mục tiêu phát triển kinh tế số không chỉ đạt chỉ tiêu đã đặt ra là 25% GRDP vào năm 2025, mà còn phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của Thành phố, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ngày 18/2, UBND Tp.HCM vừa ban hành Báo cáo về kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Tp.HCM.

Kinh tế số phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của Tp.HCM.
Theo báo cáo, Tp.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích cho người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Về kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh tại Tp.HCM năm 2024, tỉ lệ hạ tầng CNTT được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ Thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn đạt 100%.
Tỉ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Tỉ lệ các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử (trừ các văn bản có chứa bí mật nhà nước) đạt 100%.
Tổng số hồ sơ DVCTT toàn trình là 954.824/1.211.908 hồ sơ, đạt tỉ lệ 80,4%. Tổng số hồ sơ DVCTT một phần là 325.878/412.928 hồ sơ, đạt tỉ lệ 78,91%.
Tổng số TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 878/1.011 TTHC, đạt tỉ lệ 88,4%.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước lượng tỉ trọng đóng góp của kinh tế số cho Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tp.HCM trong năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, năm 2024 ước đạt 22%.
Năm 2025, Tp.HCM phấn đấu tỉ trọng đóng góp của kinh tế số cho Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 25%.
Tp.HCM đặt mục tiêu phát triển kinh tế số không chỉ đạt chỉ tiêu đã đặt ra là 25% GRDP vào năm 2025 mà còn phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của Thành phố, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trọng tâm là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nhỏ và vừa.
Tp.HCM kiên trì xây dựng dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, từ đó mở rộng cho doanh nghiệp khai thác, tạo ra giá trị tăng thêm; đẩy nhanh 8 nền tảng số chuyên ngành còn lại để hoàn thành đưa nền hành chính Thành phố lên nền tảng số trong năm 2025. Đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành và nền hành chính của thành phố lên nền tảng số; chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đánh giá trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Đồng thời, tập trung phát triển Cổng Dịch vụ công, các dịch vụ, tiện ích số cho người dân, và doanh nghiệp với phương châm "người dân và doanh nghiệp là chủ thể và mục tiêu phục vụ của chuyển đổi số"; hoàn thành mục tiêu: Định danh, cá nhân hóa; Tái sử dụng dữ liệu; Không ranh giới địa chính.
Trong năm 2025, Tp.HCM sẽ hoàn thiện thể chế số, các quy định, chính sách chuyển đổi số. Tập trung phát triển hạ tầng số thành phố, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về hạ tầng tính toán, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu.
Thành phố sẽ tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin.
Ngoài ra, tiếp tục phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Thường xuyên rà soát, cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ, tính năng, tiện ích của Ứng dụng công dân số, đem lại nhiều lợi ích nhất cho người dân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất kinh doanh; Phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số; Ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, hoàn thành và triển khai Đề án phát triển các Khu công nghệ thông tin tập trung của Tp.HCM.