Nền tảng thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Từ sự tiếp nối, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật 'Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long', tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình này có thể xem là nền tảng để tỉnh tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Hiệu quả từ canh tác mới
Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với diện tích 10 ha ở xã Vị Trung và xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.
Các mô hình có hiệu quả thực tế, phù hợp với canh tác ở từng vùng kết hợp với tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác bài bản, căn cơ cho bà con có thể chủ động áp dụng. Cùng đó là đánh giá thêm các tiêu chí mới như cải thiện môi trường đất, tăng chất lượng lúa gạo, canh tác thân thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa.
Việc thực hiện các kỹ thuật canh tác mới đã giảm đáng kể lượng giống, lượng phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao. Từ đó, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, mô hình có sự áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, thu gom rơm rạ từ đồng ruộng ra ngoài giúp tăng hiệu quả canh tác, giảm thất thoát và tận dụng được các phụ phẩm sau thu hoạch. Nhờ cơ giới hóa, những dấu chân người nông dân đã được thay thế bằng vệt xích của máy móc trên cánh đồng.
Tham gia mô hình canh tác lúa thông minh với diện tích 1 ha, ông Nguyễn Văn Em (ấp 12, xã Vị Trung) cho biết, khi triển khai mô hình, nông dân được hỗ trợ lúa giống cấp xác nhận và áp dụng biện pháp sạ cụm bằng máy, lượng giống gieo sạ là 60kg/ha. Nhờ có máy sạ cụm, hạt giống được gieo chính xác với khoảng cách hợp lý, nhờ vậy trong quá trình sinh trưởng cây lúa phát huy được hiệu ứng hàng biên, tăng hiệu quả quang hợp, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Nông dân còn áp dụng biện pháp bón lót vùi phân khi làm đất gieo sạ, giúp cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu, giảm thất thoát và tiết kiệm được lượng phân bón khoảng 30% so với canh tác thông thường.
Ông Đỗ Thanh Hiền ngụ xã Vị Bình, có khoảng 4.000 m2 lúa giống Đài thơm 8 tham gia mô hình chia sẻ, thực hiện mô hình này, nông dân khỏe hơn do có máy móc thực hiện tất cả các khâu từ làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý rơm rạ, người trồng lúa không phải “chân lấm tay bùn” như trước. Ngoài ra, các chi phí đầu vào đều giảm từ 20% trở lên do giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận cao hơn canh tác theo phương pháp truyền thống.
Qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, mô hình tại Vị Trung và Vị Bình sử dụng 60 kg giống/ha; năng suất đạt 9,9 tấn/ha tại xã Vị Trung và 8,9 tấn/ha tại xã Vị Bình,; lợi nhuận đạt trên 64,9 triệu đồng/ha tại xã Vị Trung và trên 51,9 triệu đồng/ha tại xã Vị Bình.
So với bình quân trong canh tác lúa tại địa phương, mô hình canh tác lúa thông minh đã giảm được lượng giống từ 60 - 90 kg/ha; giảm lượng phân bón, số lần phun thuốc. Năng suất cao hơn từ 100 - 200 kg/ha từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn từ 1,4 – 4,5 triệu đồng/ha cho bà con nông dân.
Ngoài ra, đánh giá thêm về chất lượng gạo và dư lượng qua thu mẫu, phân tích so với sản xuất của nông dân lân cận cho thấy chất lượng gạo được nâng lên, tỷ lệ thu hồi gạo khi xay xát tăng lên, không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, với mô hình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, bà con được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác, sau thu hoạch có doanh nghiệp bao tiêu.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình còn mang lại ý nghĩa về môi trường do giảm phát thải khí nhà kính. Sự liên kết “4 nhà” khi thực hiện mô hình trong bối cảnh giá lúa đang ở mức cao như thời gian gần đây cho thấy vai trò của mô hình liên kết hợp tác, từ đầu vào đến đầu ra sẽ hiệu quả hơn so với bà con canh tác nhỏ lẻ.
Nền tảng thực hiện Đề án 1 triệu ha
Tỉnh Hậu Giang mỗi năm xuất trên 177 nghìn ha lúa, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Riêng vụ lúa Đông Xuân, tỉnh có khoảng trên 74 nghìn ha với sản lượng gần 600 nghìn tấn.
Theo Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Hậu Giang, đến năm 2025, tỉnh tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Trên cơ sở đó, xây dựng diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 28.000 ha.
Đến năm 2030, tỉnh xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp mới ngoài vùng Dự án VnSAT để đạt 46.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Vùng chuyên canh này sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững với mục tiêu giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm trên 20% lượng nước tưới, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên 70% diện tích, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 8% và 100% diện tích được áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững.
Đồng thời, 100% diện tích thu hoạch được thu gom rơm khỏi đồng ruộng để tái sử dụng hoặc xử lý không gây ô nhiễm môi trường, giảm trên 10% phát thải khí nhà kính và 20% sản lượng gạo được xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để xuất khẩu.
Việc thực hiện nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh, từ năm 2016 đến nay, qua thực hiện nhiều mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân và Hè Thu ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy, mô hình giúp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Quy trình canh tác có biện pháp xử lý rơm rạ bằng vi sinh vật, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, giảm lượng phân đạm giúp giảm phát thải khí nhà kính.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ phân tích, quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng hai tiêu chí gồm “thông minh”, tức quy trình canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái, từng địa phương, từng mùa vụ và “mở”, nghĩa là không ngừng cập giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả quy trình canh tác.
Với những kết quả đạt tại Hậu Giang và các tỉnh trong vùng, cũng như sự hợp tác, phối hợp rất hiệu quả từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông các tỉnh, các doanh nghiệp. Tin rằng đây sẽ là một cách làm lúa phù hợp, hiệu quả cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng có thể là một trong những quy trình rất phù hợp, góp phần vào triển khai xây dựng thành công Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, thông qua tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể từ tư duy đến tập quán canh tác. Đặc biệt, nhiều nông dân, hợp tác xã đã ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ thông minh trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiệu quả của dự án VnSAT và mô hình canh tác lúa thông minh sẽ là nền tảng đề Hậu Giang tổ chức tham gia thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa tại địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang thông tin thêm, tỉnh cũng có chính sách ưu tiên cho các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đối với các địa phương, được ưu tiên ngân sách thực hiện chính sách hiện hành; ưu tiên cung cấp các nguồn vốn đầu tư thủy lợi, kinh phí duy tu bảo dưỡng; được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon, được ưu tiên tham gia các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức liên quan đến sản xuất lúa bền vững.
Đối với hộ trồng lúa trong vùng chuyên canh, nông dân được tham gia đào tạo, tập huấn. Nông dân giỏi được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm, tham gia chương trình bảo hiểm; được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng và các chương trình tín dụng xanh; sử dụng hợp đồng liên kết vay không cần thế chấp tối đa 50 triệu đồng/vụ sản xuất; được tham gia các dự án, hưởng các lợi ích từ bán tín chỉ carbon; được ưu tiên thu hút vào các hình thức kinh tế hợp tác và hỗ trợ để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của toàn vùng chuyên canh.