Nền tảng xây dựng xã hội học tập

Trong bối cảnh hội nhập, nền tảng tri thức được xem là yếu tố cốt lõi tạo động lực cho sự phát triển của xã hội.

Người lớn hướng dẫn, hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ nhỏ. Ảnh: CTV

Người lớn hướng dẫn, hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ nhỏ. Ảnh: CTV

Để xây dựng một xã hội học tập phải bắt đầu từ những hạt nhân là công dân, gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập. Các mô hình này đã và đang trở thành nguồn động viên, tiếp sức cho hoạt động khuyến học tại cơ sở đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong đời sống.

* Hiệu quả từ các mô hình

Để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên, chị Võ Trần Cẩm Lai (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) đã không ngừng học tập. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị theo học chuyên ngành kỹ thuật tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Trong 10 năm sau khi ra trường, chị vừa đi làm, vừa theo học các chuyên ngành sư phạm mầm non và quản lý giáo dục. Năm 2017, chị mở Trường mầm non Happykids.

Chị Lai cho hay, để quản lý và vận hành trường mầm non đạt hiệu quả, chị tham gia rất nhiều khóa học, cả trong nước lẫn nước ngoài nhằm mang đến chương trình giáo dục, nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện. Không chỉ trong giáo dục, việc học tập thường xuyên cũng được chị Lai chú trọng trong gia đình. Các thành viên trong gia đình của chị đang ra sức học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân học tập.

Hiện toàn tỉnh có 557.139/688.677 gia đình đạt mô hình Gia đình học tập (đạt tỷ lệ 81%); 171/182 Dòng họ học tập (đạt tỷ lệ 94%); 927/933 Cộng đồng học tập (đạt tỷ lệ 99%) và 1.151/1.169 Đơn vị học tập (đạt tỷ lệ 98%).

Gia đình ông Phùng Phu Hiền (người dân tộc Hoa, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) là một trong số ít gia đình học tập tiêu biểu. Ông Hiền cho biết, trước đây, gia đình ông rất khó khăn, phải làm nhiều nghề, từ việc nấu rượu “chui” bị phạt đến mở cửa hàng bán vải và áo quần. Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định, nhưng vì “bán quá ế” nên chỉ được một thời gian, ông lại chuyển qua bán gạo, bán nước giải khát, rồi cuối cùng mở quán ăn và kinh doanh ẩm thực.

Ông Hiền chia sẻ: “Gia đình tôi có 9 thành viên. Mặc dù cuộc sống trước đây khá vất vả song vợ chồng luôn cố gắng để cho các con được ăn học đầy đủ, trở thành người có ích cho xã hội. Hiện nay, ngoài tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động là người dân tộc ở địa phương, hàng năm gia đình tôi đều tích cực đóng góp cho quỹ khuyến học, được Sở Giáo dục và đào tạo khen tặng 5 lần”.

Dòng họ Lê của ông Lê Duy Hân (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm liền duy trì danh hiệu Dòng họ hiếu học. Theo ông Hân, hàng năm, các gia đình trong dòng họ chung tay đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của dòng họ để khen thưởng con, cháu đạt thành tích trong học tập. Mặc dù số tiền thưởng không lớn nhưng là nguồn động viên, khích lệ con, cháu thi đua học tập tốt. Hiện nay, 100% con em trong dòng họ Lê của ông Hân đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, chung sức xây dựng quê hương.

* Học tập suốt đời…

Toàn huyện Vĩnh Cửu hiện có 12/12 hội khuyến học cơ sở thực hiện xây dựng các mô hình công dân, gia đình, dòng họ học tập. Chỉ tính riêng mô hình Công dân học tập, toàn huyện có 36.503/101.867 người đạt danh hiệu Công dân học tập (đạt tỷ lệ 35,83%).

Thực hiện Phong trào Xây dựng xã hội học tập, hàng năm, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Xuân Lộc phối hợp với Hội Khuyến học huyện tích cực vận động các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng tham gia. Trong đó, gắn việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện truyền thông, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng, câu lạc bộ tại các địa phương.

Hiện 100% trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Xuân Lộc thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018. Tại các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hàng năm tổ chức các lớp học nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… cho lao động nông thôn.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch Huỳnh Minh Phương cho biết, để đạt được các tiêu chí về xây dựng xã hội học tập, hội đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các mô hình, trong đó có mô hình Đơn vị học tập triển khai tại các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các mô hình học tập có sức lan tỏa, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc học, hiểu biết về văn hóa, từ đó hình thành lối sống lành mạnh, văn minh.

Cùng với các mô hình học tập, việc đẩy mạnh học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh được ngành văn hóa quan tâm. Các thư viện, bảo tàng hiện đã ứng dụng công nghệ số, đổi mới, lan tỏa hoạt động học tập trên không gian mạng, giúp cộng đồng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202406/nen-tang-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-2602375/