Nếp sống của người Quảng Ngãi xưa

Nhận định về con người Quảng Ngãi, các sử gia Triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí viết: 'Đất bạc, người chăm, tính tằn tiện không xa hoa'.

Không phô trương, xa xỉ

Cần kiệm, tránh xa hoa phù phiếm từ lâu đã trở thành nếp sống đặc trưng của người Quảng Ngãi. Cho nên, trong sách Đồng Khánh địa dư chí, phần về phong tục Quảng Ngãi, các tác giả đánh giá: “Đất đai cằn cỗi, dân chăm chỉ làm ăn, không đua đòi phù hoa lả lướt”. Nguyễn Bá Trác trong Quảng Ngãi tỉnh chí cũng ghi nhận: “Người đông, đất ít nên dân gian chăm lo cày cấy và có tính cần kiệm”.

Ngày trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, lối sống tiết kiệm, giản dị được người Quảng Ngãi đề cao. Hương ước của nhiều làng xã tại Quảng Ngãi trước đây đều có những quy định cụ thể về điều này. Trong các điều khoản về việc tế tự, khao vọng, khánh hạ, hiếu hỷ... của các bộ hương ước này, “không phô trương quá phép”, “không được xa xỉ thái quá” là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến. Đối với việc tế tự là đại sự trong làng, người Quảng Ngãi có xu hướng tổ chức trang nghiêm nhưng gọn gàng, tránh hình thức rườm rà. Chẳng hạn, về việc rước sắc phong, Hương ước làng Thi Phổ Nhì (tổng Lai Đức, huyện Mộ Đức) quy định: “Từ khi rước sắc, tế lễ đến khi đưa sắc chỉ nên sắp đặt nội trong một ngày từ giờ ngọ về trước, không được dây dưa”.

Đối với hôn sự, người Quảng Ngãi hướng đến sự giản dị nhưng không mất vẻ trang trọng của ngày vui đôi lứa. Khoản 62 mục Hôn lễ của Hương ước làng Chánh Lộ ghi rõ: “Hôn lễ nên làm đơn giản. Sự đơn giản vẫn không làm mất vẻ long trọng của một cuộc hôn thú hợp pháp”. Tương tự, Hương ước làng Diên Niên (phủ Sơn Tịnh) quy định việc hôn lễ “không được xa xỉ”; trong khi Hương ước làng Diên Trường (tổng Phổ Văn, huyện Đức Phổ) khuyến nghị: “Việc hôn lễ thời tùy hai nhà trai gái thuận định với nhau cho giản tiện thì tốt”.

Cũng như hôn lễ, việc hiếu sự của người Quảng Ngãi trước đây thường được tổ chức giản dị, ít phô trương, hình thức. Khoản 57 mục Tang lễ của Hương ước làng Chánh Lộ quy định: “Lễ táng cần phải kiệm ước”. Hương ước làng Diên Niên cũng yêu cầu: “Diên tế và lễ phẩm cần phải kiệm ước, không được xa xỉ”. Hương ước làng Quýt Lâm (phủ Mộ Đức) còn quy định cụ thể hơn nữa: “Nhà tang gia thì dùng nhà phủ mộ, minh sinh đơn điệu, và công bố đưa đám, chớ cờ đỏ, âm nhạc, trống lớn, chuông lớn. Phương tướng, minh khí các hạng đều đừng dùng nữa”.

Tác phẩm Nét đẹp làng quê của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ.

Tác phẩm Nét đẹp làng quê của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ.

Ngoài ra, các lệ tế lễ, khao vọng trong gia đình, tộc họ của người Quảng Ngãi cũng đều coi trọng sự giản đơn, thành tâm, tránh xa hoa, hình thức. Hương ước làng Chánh Lộ, tại khoản 59 mục Khao vọng quy định rõ: “Trong làng nhà nào có làm những lễ như tế xuân, tế thu, kỳ lạp, khao thổ, làm chay, hoàn nguyện, cúng mừng, mừng nhà mới, cưới vợ vân vân... đều tùy theo nhà giàu nghèo mà làm, không nên xa xỉ thái quá, chí như những việc đồng bóng, phù pháp để lợi dụng lòng mê tín của người thì nhất thiết cấm chỉ”.

Người Quảng Ngãi xưa nay luôn phản đối trước sự phô trương, phung phí cùng những biến tướng của nó trong đời sống vật chất và tinh thần. Về điều này, Hương ước làng Quýt Lâm có những điều khoản rất nghiêm khắc, chẳng hạn: “Lễ khao ở các phái họ và cúng quan sát, cúng đàn dưới, nhương sao, đảo hạng thì bất đắc dĩ phải theo tục cho mời một thầy pháp, gà xôi vái cúng. Còn như mời nhiều thầy pháp đánh trống gõ la, bày lập đàn trường ra thì nhứt thiết nghiêm cấm, hễ người nào không tuân, giải cả người và tang vật trình quan nghĩ trị”. Hương ước làng Diên Niên cũng nghiêm cấm: “Phàm như nhương tai kỳ phước, lễ tể, thiết trai, hoàn nguyện, lạc thành, tuổi tôi, mừng nhà mới, ăn cưới… không nên quá xa xỉ thành tệ, chí như đồng bóng, phù phép, thiết đàn làm nộm, vọng tín hư phí nhứt thiết cấm chỉ”.

Những giá trị lâu bền

Lý giải nguyên nhân người Quảng Ngãi sống giản dị, các tác giả sách Đồng Khánh địa dư chí cho rằng: “Dân nông chăm việc cày cuốc ruộng đồng, đất đai phần nhiều là chỗ gò cao khô cằn, thường phải làm guồng nước đạp tưới ruộng (như các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa), bốn mùa trồng cấy mới tạm gọi đủ ăn, nhưng hàng năm thu hoạch cũng không được bao nhiêu, phần nhiều phải ăn độn khoai ngô, cho nên phong tục giản dị tằn tiện”.

Người Quảng Ngãi luôn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Cùng với lòng yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, khẳng khái, nghĩa tình, “có tinh thần đấu tranh, óc cách mạng cầu tiến, ưa chuộng sự thật, có nhiều sáng kiến tháo vát, đảm đang, cần cù và nhẫn nại, nhất là ưa lý luận” như nhận xét của tác giả Phạm Trung Việt trong Non nước xứ Quảng, sống giản dị là một nét nổi bật trong hệ giá trị con người Quảng Ngãi. Chính nhờ những giá trị này mà người Quảng Ngãi xưa và nay luôn vượt qua mọi trở ngại do hoàn cảnh sống đưa lại, vươn lên đạt nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào xây dựng quê hương, đất nước. Triết lý sống đề cao sự giản dị, hướng vào thực chất, tránh sự phô trương, hình thức của người Quảng Ngãi xưa nay cần được phát huy hơn nữa.

PHẠM TUẤN VŨ

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nep-song-cua-nguoi-quang-ngai-xua-52941.htm