Nét độc đáo của di tích chùa Bà Nước Mặn
Di tích Chùa Bà - Nước Mặn ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được xem là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng. Mỗi dịp Tết đến xuân về, chùa Bà còn là điểm đến của nhiều người dân và du khách thập phương.
Chùa Bà tọa lạc tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngôi chùa này thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một nhân vật thần thoại thường cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển. Chùa Bà gắn với sự phồn vinh một thời của cảng thị Nước Mặn ở tỉnh Bình Định trong suốt gần 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX.
Vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn.
Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch. Chính quyền địa phương tu bổ lại chùa Bà - miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị cho đến ngày nay.
Chùa Bà có kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ Nhất. Chùa quay mặt về hướng Nam, bên cạnh sông Cầu Ngói, một chi nhánh của sông Cây Đa. Phía trước chùa có một hồ nhỏ, sau hồ là bức bình phong án ngữ trước cửa chính vào chùa. Mặt trước của bình phong trang trí hình Long Mã, bát quái, theo tích “Long Mã hà đồ” trong Phật giáo. Mặt trong trang trí hình chim phượng, một trong “Tứ linh” hay được thờ trong các đình chùa. Kiến trúc của chùa được xây dựng theo lối Nam Hoa, mái cong hình thuyền, đỉnh trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, 2 đầu đốc trang trí hình chim phượng, riềm mái trang trí hoa văn theo lối ghép mảnh men sứ các loại.
Chùa Bà thiết kế 3 gian. Gian chính chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai bên có 2 tượng đứng là 2 vị Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn dưới gầm bàn thờ bày 2 tượng thần Hổ nằm, tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 4 chữ “Hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân) do triều Nguyễn ban tặng. Bàn thờ bên trái thờ Thần Hoàng làng; Bên phải là bàn thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu.
Di tích chùa Bà là công trình kiến trúc thuộc loại cổ xưa hàng đầu ở tỉnh Bình Định gắn liền với lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm vào ngày cuối tháng Giêng âm lịch. Lễ hội này kéo dài trong 3 ngày có vị trí quan trọng về tâm linh và trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Theo một số nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, trước đây, lễ hội Đô thị Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa.
Ông Nguyễn Văn Chín (65 tuổi), ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước cho biết, mặc dù cảng thị Nước Mặn đã suy tàn hàng trăm năm nhưng việc tổ chức lễ hội Đô thị Nước Mặn ở chùa Bà được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời. Lễ hội mang đậm văn hóa truyền thống qua các lễ nghinh thần, rước sắc, rước biểu tượng ngư - tiều - canh - mục. Người dân ở xã Phước Quang xem lễ hội này là cái Tết quan trọng thứ 2 trong năm (sau Tết Nguyên đán).
Ông Nguyễn Văn Chín nói, vào dịp lễ hội, người dân địa phương tự nguyện mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị tổ chức: “Bên trong chùa, lễ hội người ta tổ chức làm những khâu nấu nướng cúng mâm chay cho bà con về ăn lấy lộc. Ngày mùng 1, riêng bánh đã nấu cả tấn bánh đúc. Gạo nấu cơm lên, xào nấu chở xe tới phục vụ cho du khách thập phương ăn và vui chơi trong lễ hội và xem hát bộ, bài chòi trong 3 ngày lễ hội rất vui. Bà con ở đây rất phấn khởi . Đến hẹn lại lên, đến ngày lễ hội thì bà con tập trung lại đây”.
Nguồn gốc hình thành của chùa Bà và Đô thị Nước Mặn là sự dung hòa văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở cảng thị Nước Mặn xưa, gồm có người Chăm, người Việt và người Hoa. Cụ thể, phần tế lễ tại lễ hội Đô thị Nước Mặn ở chùa Bà thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng Việt - Hoa trong đời sống tâm linh của người ở cảng thị Nước Mặn xưa. Các vị thần người Việt và người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Sự xuất hiện thần Thành Hoàng trong tế lễ với ngai thờ riêng chứng tỏ các vị thần, dù của người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ.
Ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, bên cạnh các điểm đến, di tích văn hóa lịch sử tọa lạc ở huyện Tuy Phước như khu sinh thái Cồn Chim, Tiểu chủng viện Làng Sông, Võ đường Long Phước Tự thì chùa Bà đang thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan: “Chùa Bà có một kiến trúc hết sức độc đáo. Từ Tết Quý Mão 2023, xác định đây là một trong 3 điểm đến của các địa phương dịp Tết Nguyên đán. Trong tương lai, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với UBND huyện Tuy Phước tổ chức lễ hội này mang bản sắc độc đáo của địa phương, để đây là một điểm nhấn về vấn đề văn hóa, thu hút khách du lịch các nơi tham quan, về nghiên cứu các giá trị văn hóa, về vấn đề tôn giáo".
Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn” ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống ở tỉnh Bình Định. Đây cũng là nơi để người dân địa phương và du khách gần xa hội tụ trong đầu năm mới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/check-in/net-doc-dao-cua-di-tich-chua-ba-nuoc-man-post997629.vov