Nếu chỉ tập trung vào lương thì chưa đủ thu hút Việt kiều, chuyên gia nước ngoài
Việc thu hút và trọng dụng người tài là yếu tố cấp thiết để tạo ra những đột phá trong xây dựng và phát triển đất nước.
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã đề cập các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ, cùng với nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc thu hút và trọng dụng người tài là yếu tố cấp thiết để tạo ra những đột phá trong xây dựng và phát triển đất nước.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hồng Quách - Giám đốc Trung tâm tư vấn, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: "Với cộng đồng khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển (Mỹ - EU).
Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở nước sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước. Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học - công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Theo Tiến sĩ Quách, hiện có hàng nghìn kỹ sư, lập trình viên người Việt Nam có trình độ cao đang làm việc tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ, trong đó nhiều người làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft… và đã có rất nhiều cống hiến, đóng góp trên các lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hóa tại những nước họ đang sinh sống, học tập và làm việc.
Lực lượng chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học kiều bào luôn hướng về quê hương, chủ động bày tỏ nguyện vọng được đồng hành cùng nhân dân trong nước đóng góp cho sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước. Hằng năm, trung bình có khoảng 300 - 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học - công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (Research and Development - R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Hồng Quách cho rằng, trên thực tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và thách thức trong công tác thu hút nhân tài, bao gồm, chính sách đãi ngộ, lương bổng hay những chi phí phát sinh sau khi ký hợp đồng lao động chưa rõ ràng. Việc đánh giá R&D/chuyên gia hiện nay, chủ yếu tập trung vào số lượng bài báo quốc tế nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, thực trạng “chạy đua” theo số lượng bài báo khiến không ít nhà khoa học/chuyên gia chân chính dễ bị áp lực.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học lựa chọn làm việc ở nước ngoài là do họ được tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể để phát triển nghiên cứu. Trong khi đó, ở Việt Nam, thời gian giảng dạy lại quá nhiều, máy móc trang thiết bị, môi trường chưa đáp ứng, môi trường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tại nhiều trường đại học công lập của nước ta vẫn còn hạn chế.
Về cơ chế đãi ngộ, Tiến sĩ Quách cho rằng, nhìn chung mức lương trả theo ngạch, bậc của các trường đại học công lập hiện còn thấp. Khi trình độ kinh tế - xã hội và mức sống trong nước còn kém so với các nước phát triển trên thế giới, cần thực hiện chính sách đột phá theo kiểu lựa chọn và tập trung trong hồi hương nhân tài kiều dân, kêu gọi lòng yêu nước, hỗ trợ, tạo môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền và tin tưởng giao trọng trách, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Do đó, theo Tiến sĩ Quách, trong điều kiện trình độ kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, môi trường học thuật và mức sống còn hạn chế so với các nước phát triển, Việt Nam cần thực hiện những chính sách đột phá để kiến tạo môi trường thuận lợi và thu hút, trọng dụng “chất xám” người Việt Nam ở nước ngoài.

"Thu hút lao động chất lượng cao từ bên ngoài phải đi cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học để đào tạo lao động chất lượng cao trong nước. Thực tế Việt Nam cho thấy, còn có khoảng cách giữa kế hoạch và khả năng thực hiện, do đó, cần phải có những chiến lược, chính sách, biện pháp thực hiện hợp lý, hiệu quả, huy động được mọi nguồn lực cần thiết.
Chú trọng thu hút bộ phận ưu tú nhất, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bởi đây là thành phần cơ bản nhất trong đội ngũ lao động chất lượng cao - đội ngũ có thể tạo ra những đột phá, bước ngoặt và lan tỏa, nhân rộng đội ngũ lao động chất lượng cao. Thu hút phải gắn liền với trọng dụng nhân tài, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để nhân tài phát huy năng lực. Nhân tài khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo được trọng dụng tạo nên sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Quách nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Quách, chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng mạng lưới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu (bao gồm các chương trình kết nối trực tiếp và nền tảng kết nối online) nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ, R&D), các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại… để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam;
Xây dựng danh mục các công việc mà chuyên gia/nhà khoa học ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
"Trên thực tế, việc xin giấy phép lao động đang trải qua nhiều bước với quy trình phức tạp và thời gian chờ đợi mất 2 - 3 tháng. Việc xem xét duyệt visa cho các chuyên gia đã có giấy phép lao động đang bị tính chung với hồ sơ xin visa dài hạn thông thường, dẫn tới thời gian làm visa quá lâu (14 ngày làm việc), trong khi các dự án công nghệ có đặc thù là cần người nhanh. Hoàn thiện chính sách và môi trường làm việc, cải cách thủ tục hành chính trong tuyển dụng và sử dụng lao động, cụ thể, đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép lao động, thị thực cho chuyên gia nước ngoài.
Nghiên cứu xây dựng chính sách thị thực (visa) cởi mở, đột phá, trong đó có “visa nhân tài” dành riêng cho đối tượng nhà khoa học và người nước ngoài có trình độ cao. Chỉ cần các cá nhân được cấp loại visa này sẽ tự động được áp dụng các chính sách ưu đãi không cần qua các thủ tục xét duyệt, chứng minh theo các trình tự, thủ tục khác như: miễn thuế thu nhập cá nhân, ưu tiên sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Điều này thể hiện cam kết nhất quán, lâu dài của Việt Nam trong thu hút, trọng dụng nhân tài trên toàn cầu", Tiến sĩ Quách nhìn nhận thêm.
Cùng trao đổi, Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett– Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) chia sẻ, từ thực tiễn tại BUV - nơi 100% giảng viên là người nước ngoài hoặc người Việt Nam có bằng thạc sĩ và tiến sĩ được công nhận quốc tế, có thể thấy rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến lý tưởng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu.

Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett lý giải, trên góc độ xã hội, các yếu tố như an ninh ổn định, mức sống hợp lý, môi trường văn hóa phong phú, vị trí địa lý đẹp và thuận lợi, cùng với nền ẩm thực tuyệt vời và con người thân thiện là những điểm cộng lớn giúp chuyên gia nước ngoài dễ dàng hòa nhập và yên tâm làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường giáo dục đại học và các ngành dịch vụ tri thức đang phát triển nhanh, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt với những lĩnh vực đang có nhu cầu cao nhưng nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng đủ. So với nhiều quốc gia phát triển nơi thị trường việc làm trong giáo dục đại học đã bão hòa, Việt Nam mang lại nhiều cơ hội phát triển chuyên môn lẫn tác động xã hội cho đội ngũ chuyên gia.
"Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải thiện. Ví dụ, quy trình xin cấp giấy phép lao động và gia hạn visa hiện còn mất nhiều thời gian, thủ tục phân tầng và yêu cầu tài liệu tương đối phức tạp, thường mất từ 3-4 tháng. Một số chuyên gia quốc tế tại BUV cũng chia sẻ về những hạn chế trong visa dành cho người thân đi cùng (spouse visa) – trong đó có việc không được phép lao động – cùng với chi phí giáo dục quốc tế cho con em còn cao và ít lựa chọn tại một số khu vực.
Ngoài ra, các yếu tố như thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài hay tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn cũng được xem là rào cản tiềm ẩn đối với quyết định gắn bó dài hạn", Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett nhấn mạnh.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett nhìn nhận, trong khu vực ASEAN, Singapore là ví dụ điển hình với chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ chế một cửa đã được triển khai từ sớm, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho chuyên gia quốc tế và tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tiến sĩ Phạm Hồng Quách cho rằng, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp để thu hút, giữ chân đội ngũ nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học. Cụ thể, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp để họ có thể trở về, phát huy được hết khả năng của mình đóng góp cho đất nước.
Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Để tạo ra môi trường ổn định và hỗ trợ lâu dài, theo ông, chính sách không chỉ tập trung vào lương bổng hay chi phí nghiên cứu mà một số nhóm chính sách chủ yếu có thể là:
Một là, các chương trình tài trợ nghiên cứu trung - dài hạn (3-5 năm trở lên), thay vì chỉ tài trợ theo năm.
Hai là, chính sách tạo cơ hội thăng tiến nghề nghiệp (ví dụ: cấp vị trí giáo sư thỉnh giảng, trưởng nhóm nghiên cứu).
Ba là, cấp thị thực nghiên cứu dài hạn, dễ gia hạn, có thể kèm theo quyền định cư cho cả gia đình; Hỗ trợ về nhà ở, an sinh xã hội, giáo dục cho con cái. Các chuyên gia có thể được cấp thị thực nhiều lần hoặc thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng thời gian ký kết hợp đồng lao động. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, họ được miễn thuế thu nhập cá nhân với khoản thu nhập từ tiền công thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo hợp đồng.
Bốn là, đầu tư hạ tầng nghiên cứu (phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, thư viện điện tử).
Năm là, tạo hệ sinh thái hợp tác giữa viện nghiên cứu - đại học - doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy môi trường học thuật tự do, tôn trọng sáng tạo và minh bạch học thuật.
Sáu là, xây dựng các mạng lưới chuyên gia; tổ chức định kỳ các sự kiện kết nối chuyên gia trong và ngoài nước; Hỗ trợ tham gia vào các hội đồng tư vấn chính sách, hội đồng khoa học.
Bảy là, mức lương, phụ cấp nghiên cứu, phúc lợi phải đủ hấp dẫn so với các nước trong khu vực, Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, ngoài thù lao từ hợp đồng, họ có thể đàm phán để nhận thưởng và hưởng lợi ích từ kết quả công việc.
Tám là, cơ chế chi tiêu và khoán kinh phí linh hoạt để nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu, không quá hành chính, ràng buộc.
Chín là, vinh danh thành tựu một cách chính thức (giải thưởng, bằng khen cấp Nhà nước, bộ ngành...); coi nhân tài như một phần trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thay vì chỉ là "hợp đồng thuê ngoài".

Sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.
"Tuy nhiên, nhìn một góc độ khác, không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới cống hiến được cho đất nước. Hiện có nhiều trí thức trẻ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, trên các cương vị công tác khác nhau nhưng vẫn cống hiến rất hiệu quả cho đất nước.
Tại các quốc gia phát triển, các nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt có môi trường nghiên cứu khoa học, có điều kiện sáng tạo phát triển tốt hơn, đặc biệt là ở những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, chuyển đổi số, kinh tế số, trong nước có thể đưa ra những “đặt hàng” cụ thể với họ", Tiến sĩ Phạm Hồng Quách nhìn nhận thêm.
Cũng theo Tiến sĩ Quách, để thu hút ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, cần có một số chính sách "đặc thù".
Chẳng hạn, không bắt buộc phải qua thi tuyển hành chính phức tạp, được xét tuyển đặc cách vào các vị trí nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn chính sách. Đặc biệt, cần có chính sách công nhận giá trị kinh nghiệm và thành tựu ở nước ngoài tương đương như tại Việt Nam, tránh yêu cầu các thủ tục hành chính hoặc "đánh giá lại" không cần thiết.
Nhân tài được quyền thương thảo chế độ đãi ngộ cá nhân thay vì áp theo khung lương công chức, viên chức. Lương và phụ cấp nghiên cứu có thể cao hơn nhiều lần so với mặt bằng trong nước, tính theo năng lực và đóng góp. Miễn/giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đã được đăng ký với cơ quan chức năng; Đồng thời, nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh để thu hút, tạo động lực giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Cấp visa dài hạn đến 5 năm, hoặc thẻ tạm trú đặc biệt cho chuyên gia; Hỗ trợ xin visa, nhập học, bảo hiểm y tế cho cả gia đình đi kèm; Sau thời gian công tác nhất định (ví dụ 3-5 năm), được xét cấp thẻ thường trú hoặc quốc tịch.
Cung cấp quyền tiếp cận các cơ sở vật chất nghiên cứu trọng điểm; Chủ động phân bổ kinh phí theo nhóm/cá nhân (khoán chi), không phải qua quá nhiều lớp trung gian phê duyệt. Trao quyền điều hành đề tài, dự án cấp bộ, cấp nhà nước mà không bị phân biệt "người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ".

Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett cho rằng, các chính sách về đãi ngộ, thu nhập và phúc lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cần được “đặc thù” để Việt Nam thu hút ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Theo đó, cần chuyển từ tư duy "bình quân" sang tư duy "đặt hàng nhân tài". Các trường đại học cần có cơ chế linh hoạt và cạnh tranh hơn, có tính quốc tế hóa để thu hút được đúng nhóm chuyên gia mà Việt Nam đang rất cần – đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia như giáo dục, công nghệ, y tế và chuyển đổi số.
Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett dẫn ví dụ, tại BUV, bên cạnh mức thu nhập cạnh tranh, trường còn hỗ trợ chuyên gia quốc tế về chỗ ở, bảo hiểm y tế quốc tế, thủ tục pháp lý và hỗ trợ học phí cho con em họ tại các trường quốc tế. Bên cạnh các chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc tại BUV được xây dựng theo chuẩn quốc tế, đề cao sự minh bạch, dân chủ và thân thiện, giúp chuyên gia dễ dàng hòa nhập. Nhiều giảng viên quốc tế chia sẻ rằng gần như không có khoảng cách về văn hóa làm việc giữa các trường đại học tại các nước phát triển và BUV, điều này tạo cảm giác quen thuộc, giúp họ yên tâm đóng góp lâu dài.
Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV chia sẻ: "Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ chủ trương và định hướng trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt thông qua các chiến lược phát triển giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, để tạo đột phá thực sự, cần cân nhắc xây dựng chính sách quốc gia đồng bộ và đủ sức cạnh tranh, chẳng hạn như: giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia trong các ngành trọng điểm, kéo dài thời hạn giấy phép lao động (hiện chỉ 2 năm và phải gia hạn), hoặc ban hành gói hỗ trợ tích hợp về cư trú, tài chính và giáo dục cho gia đình chuyên gia".


Sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett, việc đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch, thẻ cư trú dài hạn, và quyền sở hữu nhà ở lâu dài cho chuyên gia và nhà khoa học quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội chiến lược để giữ chân và tận dụng tri thức toàn cầu phục vụ cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam.
"Cơ hội lớn nhất là giữ được trí tuệ ở lại Việt Nam, thay vì chỉ “đi ngang qua”. Nhiều chuyên gia quốc tế hiện nay mong muốn được cư trú ổn định và có điều kiện đầu tư cá nhân tại Việt Nam – bao gồm việc sở hữu nhà ở dài hạn, đưa gia đình đến cùng sinh sống, và không phải lo lắng quá nhiều về việc gia hạn giấy phép cư trú.
Liên quan đến quyền công dân và cư trú dài hạn, một công dân nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam trong mười năm hoặc lâu hơn ở các vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực học thuật hoặc kinh doanh, và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của chất lượng giáo dục cũng như ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực của tôi, nhiều nhà lãnh đạo như vậy chia sẻ mong muốn của Chính phủ về việc đưa Việt Nam sánh ngang với các quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản trong việc sở hữu những trường đại học có thứ hạng cao trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những nhà lãnh đạo gắn bó lâu dài này sẽ buộc phải rời khỏi Việt Nam ngay khi vị trí công tác thay đổi hoặc khi họ nghỉ hưu.
Hiện nay, theo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thông qua việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu.
Đối với các chuyên gia nước ngoài (giảng viên), giấy phép lao động có thời hạn 2 năm và bắt buộc gia hạn, gây gián đoạn không cần thiết trong các hợp đồng dài hạn. Việc kéo dài thời hạn lao động lên 5 năm hoặc dài hơn, đặc biệt đối với các chuyên gia trong lĩnh vực ưu tiên, sẽ tạo tâm lý ổn định, giúp họ yên tâm đóng góp lâu dài cho các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tại Việt Nam", Giáo sư, Tiến sĩ Rick Bennett nhấn mạnh thêm.


Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV cũng cho rằng, muốn giữ chân chuyên gia quốc tế, chúng ta cần chuyển từ “thu hút” sang “giữ chân và phát triển nhân tài”. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là môi trường làm việc học thuật và nghiên cứu phải đủ hấp dẫn. Ngoài chính sách tài chính, chuyên gia quốc tế quan tâm rất lớn đến: Cơ hội hợp tác quốc tế (được tham gia các mạng lưới nghiên cứu toàn cầu); Sự ghi nhận trong hệ thống học thuật, kể cả trong xét tặng danh hiệu, tham gia cố vấn chính sách; Sự hỗ trợ cho gia đình: từ học hành, y tế, an sinh – vì nhiều chuyên gia sẽ không chọn nơi công tác nếu gia đình không thể ổn định cùng họ.
Tại BUV, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại chuẩn 5 sao, môi trường làm việc quốc tế, và hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng, trường còn chủ trương thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ với giảng viên quốc tế để cập nhật nhu cầu, từ đó xây dựng môi trường làm việc bền vững.
Đặc biệt, BUV cũng chú trọng xây dựng một cộng đồng học thuật chất lượng cao, với 100% giảng viên có trình độ và kinh nghiệm được quốc tế công nhận, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Việc được đồng hành cùng một đội ngũ tinh hoa và đa dạng là yếu tố giúp các chuyên gia nước ngoài cảm thấy tự hào, được ghi nhận, và có động lực gắn bó lâu dài với BUV cũng như với Việt Nam.
Nếu các Bộ, ngành cùng phối hợp để xây dựng một “chính sách khung quốc gia” về thu hút và giữ chân chuyên gia quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hàng đầu cho giới học thuật và nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.