Nếu công nghệ chưa bảo đảm thì chưa nên khai thác

Đó là đề nghị của các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 16 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Cao Bằng, Cà Mau và Lâm Đồng) chiều 20.6 về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Tại phiên thảo luận tổ, đa số các đại biểu khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và khoáng sản là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 13 dự thảo luật quy định: “Quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoán sản quy định tại khoản 2 Điều này được lập phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để khoanh định thành các khu vực có quy mô nhỏ”. Về nội dung này, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng: quy định về khu vực khoáng sản “quy mô lớn” và “quy mô nhỏ” chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng... Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết, bảo đảm xác định đúng đối tượng cần quản lý.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 khoản quy định: “Quy hoạch khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan”, nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cũng theo đại biểu, việc quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian đóng cửa mỏ là chưa phù hợp với thực tế. Bởi, thời gian đóng cửa mỏ được xác định trong đề án đóng cửa mỏ, sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết chấm dứt hiệu lực (tại điểm b, khoản 1 Điều 85 Dự thảo Luật)… Do đó, đề nghị không quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian đóng cửa mỏ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị cần cân nhắc quy định “thế chấp” quyền khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Bởi, nếu tổ chức, cá nhân đã thế chấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân hàng thì khi thực hiện việc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về khai thác khoáng sản sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Đồng thời, cần quy định rõ “khu vực giáp ranh từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên” để các địa phương có cơ sở tổ chức lấy ý kiến trước khi cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định”, đại biểu nhấn mạnh.

Về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Điều 104, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị xác định rõ khoáng sản nhóm IV có thuộc khu vực phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không? Vì tại điểm b, khoản 1 quy định khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm khu vực quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, tại Mục 2 dự thảo luật chỉ quy định đối với trường hợp cấp Giấy phép thăm khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản…

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Cho ý kiến về quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá, dự thảo luật đã quan tâm đến nội dung này tại mục 3 chương IV và mục 1 Chương VII, song vẫn còn chung chung. Do đó, dự thảo luật cần có quy định nghiêm ngặt để bảo đảm bảo vệ môi trường.

Cụ thể, theo đại biểu, dự thảo luật phải có quy định bắt buộc công nghệ khai thác. Đặc biệt, đối với từng loại khoáng sản phải có quy chuẩn về công nghệ khai thác mỗi loại… Đồng thời, cần có quy định nâng cao ý thức của nhà khai thác, chế biến khoáng sản và người dân.

Liên quan đến quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, việc phân các loại khoáng sản được đấu giá và loại khoáng sản không qua đấu giá trong dự thảo luật chưa minh bạch, nếu không quy định chặt chẽ sẽ trở thành kẽ hở dẫn đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong việc cấp phép, tổ chức đấu giá… Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 7 về nhóm khoáng sản liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản tại Điều 15 có 2 loại ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất tán thành với quan điểm của Chính phủ như quy định của dự thảo luật (quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II)… Ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng đồng tình với việc lập quy hoạch khoáng sản nên giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp.

Góp ý tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện các quy định về phân nhóm khoáng sản tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí; xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập trong quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng vật liệu; làm rõ nguyên tắc điều tiết khoản thu giữa Trung ương và địa phương...

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, muốn Luật Địa chất và khoáng sản thực sự đi vào cuộc sống phải quan tâm đến phân cấp, phân quyền; đặc biệt chú trọng công nghệ khai thác; cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường bằng kinh tế đơn thuần…

“Đối với khai thác khoáng sản, phải đặc biệt quan tâm đến chế biến sâu, tiết kiệm nguồn tài nguyên; nếu công nghệ chưa bảo đảm thì chưa nên tính đến việc khai thác”, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Diệp Anh - Quang Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/neu-cong-nghe-chua-bao-dam-thi-chua-nen-khai-thac-i376272/