Nếu thị trường carbon vận hành muộn, đại gia nhiệt điện, thép sẽ ra sao?

Giá của 1 tín chỉ carbon trong 1 tấn thép hiện giao dịch khoảng 80-100 euro. Tới năm 2030, mức này có thể lên tới 300 euro, cao gấp 3 lần. Chuyên gia cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp ở nước ta.

Nên dồn lực ưu tiên cho 3 lĩnh vực gồm xi măng, sắt thép và điện

Chính phủ vừa có thông báo giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, chủ động đối thoại với các đối tác trong quá trình triển khai nhiệm vụ về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).

Các bộ có trách nhiệm nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM, đặc biệt là các sản phẩm nông lâm nghiệp; nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, miễn trừ phù hợp cho Việt Nam; tiếp tục theo dõi các diễn biến tại các nước đối tác như Mỹ, Canada về việc áp dụng CBAM; nghiên cứu, đàm phán, gia nhập các diễn đàn, khuôn khổ quốc tế song phương và đa phương để tăng cường khả năng hợp tác và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, quy định của Việt Nam liên quan đến giá các-bon.

Chia sẻ tại một tọa đàm về tín chỉ carbon, ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, cho biết, trong tham vọng trở thành khu vực trung hòa khí carbon vào năm 2050, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được thành lập theo Quy định 2023/956 của Hội đồng và Nghị viện châu Âu.

Cơ chế này được thiết lập nhằm tránh “rò rỉ carbon” khi doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, tạo cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất, từ đó khuyến khích sản xuất giảm phát thải.

CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Bản thân ông Long có nhiều kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp chuyên về đảm bảo, thử nghiệm, kiểm định, xác nhận, 6 loại hàng hóa trên liên quan đến hơn 10.000 doanh nghiệp, là đầu vào trong ba lĩnh vực lớn là năng lượng, công nghiệp và hàng không tham gia thị trường EU ETS.

Thời gian thực hiện EU ETS được áp dụng từ 2005, theo đó, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường.

Sản xuất thép đứng trước áp lực giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình cam kết. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Sản xuất thép đứng trước áp lực giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình cam kết. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hàng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết, ông Long chia sẻ.

Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon rồi thì hàng xuất khẩu sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt.

Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp.

Về góc độ góp ý cho doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon, ông Đặng Thanh Long cho biết, giá giao dịch cho 1 tín chỉ carbon trên thị trường đang rất cao và có xu hướng tăng theo thời gian.

Ông Long ví dụ, giá của 1 tín chỉ carbon trong 1 tấn thép hiện giao dịch khoảng 80-100 euro. Tới năm 2030, mức này có thể lên tới 300 euro, gấp 3 lần thời điểm hiện tại.

Trong số 6 loại hình sản xuất bị ảnh hưởng bởi cơ chế CBAM, ông Long nhìn nhận, sẽ có những doanh nghiệp dôi dư. Theo đó, ông đề nghị dồn lực ưu tiên cho 3 lĩnh vực gồm xi măng, sắt thép và điện. Ông ước tính, khoảng 200 doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế CBAM nên các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này cần có kế hoạch sớm để thích ứng.

Không có lộ trình thì sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của châu Âu

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Bộ TN&MT dẫn kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, trong giai đoạn đầu Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn.

Ngoài ra, EU đã bắt đầu áp dụng CBAM nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón.

Không chỉ EU, Mỹ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần.

Kết quả kiểm kê khí nhà kính là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Vì vậy, thời điểm phân bổ hạn ngạch cần theo lộ trình phù hợp với thời điểm các cơ sở nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

Do vậy, dự thảo đề xuất bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch, trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến, có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa quen và chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để xây dựng báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính, hay tiến tới là phải tính toán được suất phát thải trên sản phẩm, hàng hóa, thậm chí không chỉ là sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà cả với nguyên vật liệu và nhiên liệu mua từ bên ngoài.

Với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của châu Âu. Vì thế, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội của mình để nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, để khi có yêu cầu chuyển đổi thì doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/neu-thi-truong-carbon-van-hanh-muon-cac-doanh-nghiep-se-bi-thiet-2312456.html