Ngã ba Cò Nòi - Vang mãi khúc tráng ca bất tử
Ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là 'yết hầu' trên tuyến lửa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi 'túi bom' này, góp phần viết nên khúc tráng ca bất tử cho thắng lợi lịch sử.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sơn La giữ vị trí quan trọng, án ngữ các tuyến đường huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngã ba Cò Nòi - nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ 13A (nay là quốc lộ 37) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa. Thực dân Pháp đã ra lệnh cho không quân bằng mọi cách phải biến Ngã ba Cò Nòi thành “bãi lầy”, hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế vũ khí, lương thực, dân công…cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong được huy động từ khắp các địa phương đã lên đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, thường trực tại Ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40.
Hầu hết các nhân chứng lịch sử từng công tác trên tuyến lửa Cò Nòi năm ấy, giờ đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ký ức một thời hoa lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Ông Hồ Ngọc Toàn, sinh năm 1934, quê ở Nghệ An - cựu thanh niên xung phong của Đội 40 nhớ lại: "Tháng 2/1954, được xã đoàn thông báo tuyển thanh niên xung phong, mấy anh em cùng quê giúp nhau đăng ký tham gia. Ngày ấy tất cả thanh niên Nghệ An ra tập kích ở Thanh Hóa, sau đó hành quân lên Tây Bắc, toàn đi bộ, cứ 4 ngày nghỉ 1 ngày, vừa giữ sức, vừa phổ biến nhiệm vụ. Lúc đấy, Cò Nòi bắt đầu bị đánh phá rồi. Khi ấy, thanh niên xung phong chúng tôi làm bất cứ việc gì Đảng cần, từ vận tải, đến vận chuyển lương thực, đảm bảo giao thông…".
Trong ký ức của cựu thanh niên xung phong Hồ Ngọc Toàn, từ tháng 3/1954 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, không ngày nào Ngã ba Cò Nòi im tiếng bom đạn. Có những ngày cao điểm, địch ném xuống 300 quả bom. Đất đá bị cày xới, không còn một cành cây, ngọn cỏ. Ban ngày mọi người phải sơ tán, đến chiều tối, chuẩn bị vật dụng, từ cuốc, xẻng, đuốc, đêm đốt đuốc lên làm. Làm thế nào để thông xe ngay đêm đó, bộ đội, dân quân, xe vận chuyển vũ khí, lương thực đi qua trước khi trời sáng.
68 năm kể từ ngày chiến dịch toàn thắng, mỗi lần trở lại Ngã ba Cò Nòi, các cựu thanh niên xung phong, dân quân du kích đều không dấu được niềm tự hào xen lẫn xúc động.
Thắp nén nhang thơm tri ân đồng chí, đồng đội tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ thanh niên xung phong, ông Lò Văn Pọm, dân quân du kích tại Ngã ba Cò Nòi hồi tưởng về những ngày đêm chiến đấu kiên cường và cả những phút giây chứng kiến đồng đội hy sinh bên mình…
Ông Lò Văn Pọm chia sẻ: "Tôi nhớ nhất ngày 13/3/1954, địch đánh phá ác liệt nhất, chúng ta mất khá nhiều người. Ngày 14, chúng tôi đi tìm thi hài của thanh niên xung phong, có người chỉ được cái tay, cái chân… cũng không biết của ai nữa. Chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt. Chúng rải bom, khu này tan nát hết. Bộ đội ta cũng đánh máy bay, cũng có pháo 37 đặt trên các đồi này đánh liên tục."
Dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng thanh niên xung phong ở Ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa. Quá trình phục vụ chiến dịch, đã có hơn 100 thanh niên xung phong Đội 34, 40 và nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng tại ngã ba này.
Bà Đào Thị Phường, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong xã Cò Nòi xúc động nói: "Tôi rất xúc động mỗi khi đến tưởng niệm ở khu di tích này. Chúng tôi những người đã trải qua chiến tranh, dù không ở chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng cũng biết nó ác liệt thế nào. Mỗi lần đến đây, chúng tôi lại nhớ lại sự gian khổ ấy. Đảng, Nhà nước đã xây dựng lên đài tưởng niệm, là minh chứng để thế hệ chúng tôi còn sống được đi lại để tri ân các anh hùng liệt sỹ. Những người đi trước cũng như chúng tôi đi sau, đã hi sinh rất nhiều, gian khổ, khó khăn rất nhiều."
Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn của quân và dân, các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong, từ năm 2000 đến 2002, tỉnh Sơn La đã xây dựng Khu Di tích tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi. Năm 2004, Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đến tháng 7/2021, khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh giai đoạn I, thuộc dự án Tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Công trình này đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Em Lường Thế Phúc, học sinh Trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn chia sẻ: "Em rất tự hào khi là người con của đất Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La, cũng là nơi có di tích lịch sử quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Em sẽ cố gắng học tập, để sau này có thể phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông; mong muốn cùng các bạn trẻ ở đây chung tay gìn giữ, phát huy giá trị của di tích lịch sử."
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Cò Nòi đã và đang đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Từ một mảnh đất đầy gian khổ, những năm gần đây, Cò Nòi trở thành một trong những vùng kinh tế động lực của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nằm cách trung tâm huyện khoảng 10 km, Cò Nòi đã phát huy lợi thế, tiềm năng để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu quy mô, tập trung.
Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: "Xã Cò Nòi được công nhận xã Nông thôn mới từ năm 2019. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, chúng tôi đã phân ra 3 vùng: Vùng dọc quốc lộ 6 tập trung trồng na, xoài, nhãn, để phục vụ cho áp dụng công nghệ cao cho cây ăn quả; Hai là vùng quốc lộ 6C, khu vực Kim Sơn, áp dụng tưới tiêu thực hiện dự án DOVECO vùng trồng rau, hoa quả; Vùng 3 là khu vực quốc lộ 37 tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng là dâu tây, gắn với việc làm du lịch sinh thái, trải nghiệm, tâm linh".
Mảnh đất Cò Nòi mang trên mình những hố bom, mảnh đạn, giờ đã khoác trên mình màu xanh no ấm. Từ đèo Chiềng Đông đi lên, đèo Chẹn đi sang, xung quanh ngã ba này đâu đâu cũng là vùng cây trái xanh mướt, hứa hẹn bội thu. Tuyến đường đèo dốc chênh vênh, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, nay thênh thang, nối dài, rộng mở...
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng Ngã ba Cò Nòi sẽ mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc xã Cò Nòi nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, viết tiếp những bản hùng ca của thời bình./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nga-ba-co-noi-vang-mai-khuc-trang-ca-bat-tu-post941214.vov