Nga có thành công khi tính kế '1 mũi tên trúng 2 đích' trong xung đột ở Ukraine?

Nga liệu có thành công trong chiến lược 'một mũi tên trúng hai đích' khi vừa làm thân với Mỹ, vừa bảo vệ các mục tiêu tối đa của mình trong xung đột Ukraine?

Nga có thành công “một mũi tên trúng hai đích”?

Điện Kremlin đã trụ vững trước sức ép đòi ngừng bắn ngay lập tức như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình, song nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ dường như đang bị chững lại.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Tổng thống Putin muốn chấm dứt cuộc giao tranh này theo các điều khoản của Moscow. Trong những diễn biến ngoại giao phức tạp gần đây, nhà lãnh đạo Nga đã có thể bảo vệ lập trường đàm phán một thỏa thuận hòa bình toàn diện mà vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông tin rằng giao tranh đang diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Financial Times

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Financial Times

Lập trường cứng rắn này đã vượt qua sức ép từ Ukraine, EU và gần đây là cả Mỹ về yêu cầu cần phải ngừng bắn ngay lập tức. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 19/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoan nghênh các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đồng nghĩa với việc chính thức từ bỏ cam kết trước đây của ông về việc nhanh chóng chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, thắng lợi ngoại giao này của ông Putin có thể làm suy yếu, hoặc ít nhất là trì hoãn mục tiêu kinh tế lớn hơn của ông, đó là bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Sau cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Trump nhấn mạnh, việc Mỹ nối lại quan hệ kinh tế với Nga chỉ diễn ra sau khi đạt được hòa bình ở Ukraine chứ không phải trước đó. Nếu ông Trump tiếp tục đan xen 2 vấn đề này, điều đó có thể đẩy Nga vào tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài, khó có khả năng sớm được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt từ phương Tây hay thu hút đầu tư nước ngoài như ông Trump từng gợi ý.

"Nga muốn tiến hành thương mại quy mô lớn với Mỹ khi cuộc "tắm máu" thảm khốc này kết thúc và tôi hoàn toàn đồng tình", ông Trump tuyên bố sau cuộc gọi hôm 19/5.

Phó Tổng thống JD Vance cũng bày tỏ quan điểm tương tự, thậm chí theo một cách gay gắt hơn.

"Phải nhìn nhận thực tế là sẽ có nhiều lợi ích kinh tế nếu quan hệ giữa Nga và phần còn lại của thế giới được cải thiện", ông Vance nói, song cho rằng Moscow sẽ không có được lợi ích đó nếu tiếp tục cuộc giao tranh ở Ukraine.

Điện Kremlin tiết lộ xung đột ở Ukraine chỉ là một trong các chủ đề được ông Putin và ông Trump đề cập và hai nhà lãnh đạo vẫn cam kết thúc đẩy một bước tái thiết quan hệ rộng hơn.

"Hai tổng thống đã bàn về tình hình quan hệ song phương và đều bày tỏ mong muốn tiếp tục bình thường hóa quan hệ này. Tổng thống Trump coi Nga là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ về thương mại và kinh tế", ông Yuri Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin nói với báo giới Nga sau cuộc điện đàm.

Thỏa thuận cụ thể duy nhất được ông Ushakov đề cập sau cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng là kế hoạch trao đổi 9 tù nhân Nga đang bị giam giữ tại Mỹ với 9 công dân Mỹ bị giam giữ ở Nga.

Đề xuất khiêm tốn này khác xa với kỳ vọng từng được giới tinh hoa Nga đặt ra hồi đầu năm. Vào thời điểm đó, nhiều người ở Moscow tin rằng xu hướng "ưa đàm phán" và cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông Trump trong chính trị sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Nga và nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với tầm nhìn này, việc bình thường hóa quan hệ sẽ dẫn đến các biện pháp cụ thể như dỡ bỏ trừng phạt đối với các tập đoàn năng lượng và ngân hàng nhà nước Nga, cho phép họ quay lại hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Đây là những bước đi giúp Moscow tiết kiệm chi phí và dễ dàng hơn trong hoạt động thương mại. Các quan chức Nga cũng kỳ vọng rằng việc hòa giải với Washington sẽ tạo điều kiện để các công ty Mỹ quay trở lại Nga, ít nhất là những tập đoàn công nghệ lớn với các sản phẩm và dịch vụ mà Moscow chưa thể thay thế hoàn toàn dưới các lệnh trừng phạt.

Về tổng thể, nhiều quan chức Nga và học giả thân Điện Kremlin tin rằng một mối quan hệ mới với Mỹ dựa trên chủ nghĩa thực dụng đề cao lợi ích quốc gia sẽ tái định hình trật tự toàn cầu và giúp Moscow khôi phục vị thế của một cường quốc địa chính trị.

Tính toán của Nga

Tổng thống Putin có lẽ vẫn tin rằng việc tách vấn đề Ukraine khỏi nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ là điều khả thi. Điều này lý giải vì sao ông tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao mà không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào sẵn sàng thỏa hiệp, ông Sam Greene - Giáo sư chuyên ngành chính trị Nga tại Cao đẳng Hoàng gia London cho hay.

"Nếu ông Trump không đạt được điều mình muốn tại Ukraine và nếu ông ấy có thể tránh đổ lỗi cho Nga về điều đó thì ông ấy có thể sẽ hướng đến việc bình thường hóa quan hệ với Nga mà không cần chờ một giải pháp cho Ukraine", Giáo sư Greene nói trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 20/5.

Theo chuyên gia này, mục tiêu của Tổng thống Putin là thuyết phục ông Trump rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Nga là phần thưởng đủ hấp dẫn để bù đắp cho danh tiếng quốc tế mà nhà lãnh đạo Mỹ có thể đánh mất nếu không thể chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Việc lựa chọn theo đuổi sự nhượng bộ từ Ukraine thay vì hướng đến lợi ích kinh tế tức thì cho thấy ông Putin có khả năng đang tin rằng thời gian đứng về phía mình.

Giá dầu - nguồn thu ngân sách chính của Nga đã ổn định quanh mức 65 USD/thùng, sau khi giảm mạnh vào thời điểm ông Trump công bố chính sách áp thuế toàn cầu hồi tháng 4. Quyết định trì hoãn áp thuế của ông Trump đã giúp Điện Kremlin tránh phải cắt giảm đáng kể chi tiêu cho xung đột. Mặc dù kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại trong năm nay nhưng các dự báo cho thấy GDP vẫn có thể tăng khoảng 1,5% - một mức đủ để tránh rơi vào khủng hoảng tài chính.

Các quan chức Nga cho rằng gói trừng phạt mới nhất của EU - bao gồm lệnh cấm với gần 200 tàu chở dầu có liên hệ với Nga và việc đưa tập đoàn dầu khí quốc doanh Surgutneftegaz vào danh sách đen, là yếu ớt và không hiệu quả. Về phần mình, ông Trump cũng cho thấy khả năng Mỹ sẽ trì hoãn các biện pháp trừng phạt mới, với lý do có thể đạt tiến triển trong đàm phán.

“Doanh nhân Nga đã học được cách sống sót dưới các lệnh trừng phạt. Ngay cả khi phương Tây có nới lỏng trừng phạt, họ vẫn sẽ có những cách khác để cản trở chúng ta. Trừng phạt không phải là biện pháp tạm thời hay cụ thể mà là một cơ chế gây sức ép có hệ thống và mang tính chiến lược lên đất nước này", ông Putin nói với giới tài phiệt Nga vào tháng 3/2025.

Dữ liệu ngân sách mới nhất của Nga cho thấy chiến lược đưa ra các khoản tiền thưởng nhập ngũ và mức lương ngày càng cao dành cho tân binh đang phát huy hiệu quả. Theo ông Jack Watling – chuyên gia phân tích thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London, số lượng binh sĩ mới đã vượt mục tiêu tuyển quân mà Điện Kremlin đề ra trong tất cả các tháng của năm 2025 tính đến thời điểm hiện tại.

Trên chiến trường Ukraine, chiến dịch tấn công của Nga đã tăng tốc trong tháng này, sau nhiều tháng tiến triển chậm chạp. Theo trang Deepstate có liên hệ với quân đội Ukraine, các lực lượng Nga đã chiếm trung bình khoảng 8,5km vuông lãnh thổ Ukraine mỗi ngày trong tháng 5, thay vì 6km vuông trong tháng 4. Đặc biệt, trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã phá vỡ phòng tuyến phía Đông thành phố Pokrovsk - một cứ điểm quan trọng của Ukraine tại vùng Donbass.

Trong một báo cáo công bố tuần này, ông Watling cho biết các đợt tấn công hiện nay của Nga nhằm mục đích khiến các đồng minh của Kiev tin rằng đây là cuộc xung đột mà Ukraine không thể giành thắng lợi, từ đó buộc họ “gây áp lực để Kiev phải đàm phán hòa bình, kể cả với những điều kiện không thể chấp nhận được".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-co-thanh-cong-khi-tinh-ke-1-mui-ten-trung-2-dich-trong-xung-dot-o-ukraine-post1201366.vov