Bên hài lòng, phía hậm hực
Cứ theo những biểu hiện ra bên ngoài thì cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều hài lòng và đánh giá tích cực về cuộc điện đàm vừa diễn ra ngày 19-5.
Trong thời gian hơn 3 tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 3 lần điện đàm với nhau, cụ thể là vào ngày 12-2, ngày 18-3 và ngày 19-5.
Chỉ riêng tần suất này không thôi cũng đã đủ để cho thấy, mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Putin khác biệt rất cơ bản mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin với người "kế nhiệm và tiền nhiệm" của ông Trump là Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều đó phần nào cho thấy sự tương tự như vậy đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện tại so với thời ông Biden cầm quyền ở Mỹ.
Ông Putin và ông Trump đã trao đổi qua điện thoại về cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhằm tiến tới giải pháp chính trị hòa bình giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, về quan hệ thương mại song phương và cả về khả năng trực tiếp gặp gỡ nhau vào thời điểm trong tương lai.
Sau cuộc điện đàm, ông Trump cho biết, đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine sẽ được tiếp tục ngay lập tức, đàm phán về ngừng chiến hoặc thậm chí cả về chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump còn đề xuất Nga và Ukraine đàm phán với nhau ở Tòa thánh Vatican bởi Giáo hoàng Leo XIV đứng ra tổ chức.
Ukraine và những đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức và Ba Lan lại rất hậm hực khi ông Trump không thúc ép Nga chấp nhận đề nghị ngừng chiến 30 ngày của họ và cũng không gia tăng áp lực đối với Nga để buộc nước này phải chấp nhận yêu cầu nói trên.
Ông Trump cũng không đồng quan điểm với họ khi họ dọa và đưa ra tối hậu thư cho rằng, nếu Nga không đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của họ thì họ sẽ siết chặt những chính sách trừng phạt Mátxcơva.
Sau cuộc điện đàm này của ông Trump và ông Putin, Ukraine và các đồng minh ở châu Âu không thể không cay đắng nhận ra rằng, chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân ông Trump không thật sự cùng hội cùng thuyền với họ trong chính sách đối với Nga, trong hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga và trong cách tiếp cận tìm giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến tranh này.
Trong khi đó, ông Putin cho biết, Nga sẽ soạn thảo một bị vong lục để chuẩn bị cho các vòng đàm phán trực tiếp tới đây giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả những điều kiện và lộ trình nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh và cho cả ngừng chiến nếu có đủ tiền đề thuận lợi.
Có thể thấy được qua đó ông Putin đã làm ông Trump hài lòng khi thuận theo sự thôi thúc của ông Trump là Nga chấp nhận tiếp tục đàm phán trực tiếp với Ukraine cả về ngừng chiến lẫn chấm dứt cuộc chiến, nhưng trong thực chất, chưa có bất cứ nhượng bộ cơ bản gì cho Ukraine và đồng minh ở châu Âu.
Ông Putin tiếp tục tranh thủ được cá nhân ông Trump, vừa vẫn níu kéo được ông Trump can dự trực tiếp vào tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho vấn đề cuộc chiến ở Ukraine, vừa tiếp tục phân hóa được ông Trump và chính quyền mới ở Mỹ với Ukraine và các đồng minh ở châu Âu.
Nga vẫn giữ được thế chủ động tiến lui trên chiến trường cũng như chủ động dẫn dắt tiến trình đàm phán trực tiếp với Ukraine nói riêng, tiến trình với sự tham gia của nhiều bên khác nữa tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho vấn đề cuộc chiến ở Ukraine. Như thế bảo sao phe Ukraine và đồng minh không thể không trong tâm trạng hậm hực.
Cũng vì thế mà nhiều khả năng chắc không lâu nữa ông Putin và ông Trump sẽ lại điện đàm với nhau, thậm chí cả gặp nhau.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ben-hai-long-phia-ham-huc-703210.html