Nga đề xuất trao đổi tài sản đóng băng với phương Tây

Nga đang đề nghị trao đổi tài sản của các nhà đầu tư phương Tây mắc kẹt ở nước này với một số tài sản của công dân Nga bị đóng băng ở nước ngoài như một phần của lệnh trừng phạt từ chiến sự Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, hơn 3,5 triệu công dân Nga hiện có tổng cộng 1,5 nghìn tỉ rúp (15,96 tỉ đô la) cổ phần bị đóng băng ở phương Tây. Ảnh: interaffairs.ru

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, hơn 3,5 triệu công dân Nga hiện có tổng cộng 1,5 nghìn tỉ rúp (15,96 tỉ đô la) cổ phần bị đóng băng ở phương Tây. Ảnh: interaffairs.ru

Theo đề xuất của Ngân hàng trung ương Nga (CBR) hôm 23-8, Moscow sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư phương Tây mua tài sản các nhà đầu tư Nga bị phong tỏa ở châu Âu bằng cách sử dụng tiền của chính họ đang bị giữ trong các tài khoản hạn chế ở Nga và không thể chi tiêu ở nước ngoài.

Các quan chức phương Tây nói với Financial Times rằng họ không biết gì về đề xuất này và không có cuộc đàm phán nào diễn ra về thỏa thuận hoán đổi tài sản tiềm năng.

Hôm 22-8, Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng thỏa thuận được đề xuất nhằm mục đích giải phóng 100 tỉ rúp (1,1 tỉ đô la Mỹ), chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong tổng số 1,5 nghìn tỉ rúp (15,96 tỉ đô la) cổ phần của hơn 3,5 triệu công dân Nga hiện bị phong tỏa ở phương Tây.

Đề xuất của Moscow nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Nga khi những khoản đầu tư của họ vào chứng khoán phương Tây bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của phương Tây và bị mắc kẹt tại các tổ chức như Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear, có trụ sở tại Bỉ. Đồng thời, thỏa thuận cho phép một số công ty phương Tây lấy lại số tiền bị mắc kẹt từ Nga.

Nga vẫn chưa công bố chi tiết về đề xuất hoán đổi, điều mà Bộ trưởng Siluanov và CBR cho biết sẽ được nêu trong một sắc lệnh của Tổng thống Putin.

CBR cho biết việc trao đổi sẽ là “tự nguyện”. Thông điệp này dường như loại trừ khả năng tịch thu tài sản của các nhà đầu tư phương Tây ở Nga để bồi thường cho các nhà đầu tư Nga.

Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào cũng phức tạp do những khó khăn về mặt pháp lý và tuân thủ đối với các nhà đầu tư phương Tây trong việc xử lý tài sản của họ ở Nga.

Bốn quan chức cấp cao của châu Âu nói với Financial Times rằng sẽ không có cuộc đàm phán nào giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga về bất kỳ thỏa thuận hoán đổi tài sản nào.

Các chính phủ phương Tây khó có thể đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào xem tài sản bị phong tỏa của Nga nhằm đáp trả cuộc chiến ở Ukraine ngang hàng với tài sản của phương Tây bị mắc kẹt ở Nga mà họ coi là bị tịch thu bất hợp pháp.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ phương Tây, dẫn đầu là nhóm các nước công nghiệp G7, đang tranh cãi về việc liệu họ có nên thu lợi tức từ tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine hay không.

Theo chính phủ Bỉ, gần 200 tỉ euro tài sản của Nga đã bị đóng băng tại Euroclear, cơ quan thanh toán bù trừ nhất thế giới, do các lệnh trừng phạt. Trong đó, 180 tỉ euro là dự trữ ngoại hối của CBR.

Các quan chức phương Tây đang tìm cách thu lợi tức (chẳng hạn cổ tức) một cách hợp pháp từ những tài sản đó và cung cấp chúng dưới dạng hỗ trợ tài chính cho Kiev.

Bất kỳ quyết định tịch biên nào của phương Tây đối với chúng cũng có nguy cơ khiến Moscow đáp trả bằng cách tiếp quản thêm các tài sản phương Tây bị mắc kẹt ở Nga. Đầu năm nay, Điện Kremlin đã quốc hữu hóa các công ty con tại Nga của bốn công ty châu Âu. Đó là hai công ty năng lượng Uniper của Đức, Fortum của Phần Lan cũng như hãng sữa khổng lồ Danone của Pháp và nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch.

Hàng trăm công ty phương Tây đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thỏa thuận rút lui khỏi Nga hoặc buộc phải xóa bỏ tài sản ở Nga ra khỏi sổ sách. Nhiều công ty con của họ tại Nga vẫn tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhưng số tiền đó bị giữ lại ở trong nước theo luật pháp Nga.

Tập đoàn dầu khí BP (Anh), nắm giữ gần 20% cổ phần ở Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft của Nga, đang có khoảng 1,4 tỉ đô la thanh toán cổ tức được Moscow đặt vào tài khoản ủy thác kể từ chiến sự Ukraine.

Tuy nhiên, BP đã đưa ra quyết định bút toán giảm giá trị tài sản 24,4 tỉ đô la cho khoản cổ phần này. Hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn cho biết chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán cổ tức nào từ Rosneft và “không kỳ vọng nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào trong tương lai”.

Bất kỳ thỏa thuận nào của BP nhằm bán cổ phần tại Rosneft cũng trở nên phức tạp vì các lệnh trừng phạt và quyền của Điện Kremlin trong việc phê duyệt bất kỳ bên mua nào.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nga-de-xuat-trao-doi-tai-san-dong-bang-voi-phuong-tay/