Nga, Mỹ leo thang căng thẳng hạt nhân

Những thông tin về việc Nga và Mỹ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng liên quan tới cuộc xung đột Ukraine đe dọa làm bùng phát xung đột hạt nhân.

Theo RT, ngày 21-6, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẽ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân vì đây là bước đi bảo đảm cho an ninh quốc gia. Cụ thể, Nga có kế hoạch phát triển hơn nữa “bộ 3 hạt nhân” như một sự bảo đảm cho khả năng răn đe chiến lược và duy trì cân bằng quyền lực trên thế giới, theo lời Tổng thống Putin tại cuộc họp với sinh viên tốt nghiệp từ các học viện quốc phòng.

“Bộ 3 hạt nhân” mà Tổng thống Putin nhắc tới là sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, tất cả đều có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, Sputnik dẫn nguồn tin từ Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho rằng, Mỹ đang bí mật nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của nước này ở châu Âu bằng cách thay thế các đầu đạn cũ bằng các đầu đạn liên quan thế hệ mới. Ông Alistair Burnett, người đứng đầu bộ phận truyền thông của ICAN nói rằng, có thể nhận thấy điều đó bằng cách theo dõi trực tiếp các máy bay của không quân Mỹ được thiết kế cho loại hình vận tải này. Ông cho biết thêm: “Chính quyền Tổng thống Joe Biden không công khai về điều đó, nhưng việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân này đang được tiến hành”.

B61 là bom nhiệt hạch thả từ trên không chủ lực trong kho vũ khí của Mỹ. Ảnh: Sputnik

B61 là bom nhiệt hạch thả từ trên không chủ lực trong kho vũ khí của Mỹ. Ảnh: Sputnik

Theo nguyên tắc chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ đang lưu trữ khoảng 150 đầu đạn hạt nhân trên khắp châu Âu, tại các căn cứ không quân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên tắc chia sẻ hạt nhân là một thỏa thuận của NATO, trong đó quy định lợi ích, trách nhiệm và rủi ro của việc răn đe hạt nhân được chia sẻ trên toàn bộ liên minh.

Trước đó, Điều phối viên chính sách và nghiên cứu của ICAN, bà Alicia Sanders-Zakre đã kêu gọi rút kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu càng sớm càng tốt. Theo bà, việc chia sẻ vũ khí hạt nhân hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài là một bước đi leo thang nguy hiểm cần bị lên án trên toàn thế giới và phải chấm dứt ngay lập tức.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng và có khả năng xảy ra xung đột hạt nhân. Mỹ và các thành viên NATO khác đã cáo buộc Moscow leo thang căng thẳng hạt nhân, trong khi các nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng, việc phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine có thể dẫn đến sự leo thang này.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) mới đây, khi được hỏi liệu Nga có cần leo nhanh hơn trên thang hạt nhân hay không, Tổng thống Putin cho biết, Nga chưa bao giờ khởi xướng việc leo thang như vậy. Ông nhấn mạnh học thuyết hạt nhân của Nga, nêu rõ rằng, vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng khi Nga đối mặt với “mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Nga sẽ chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp đặc biệt, nhưng trường hợp đó chưa xảy ra. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo “không thể loại trừ” sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga.

Trong một phát biểu với các phóng viên mới đây ở thành phố Nizhny Novgorod, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng nhấn mạnh, Nga có thể thay đổi học thuyết hạt nhân nếu các hành động leo thang của Mỹ và đồng minh buộc Moscow phải làm như vậy.

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20-6 phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow rằng, vũ khí hạt nhân của Mỹ tạo ra vấn đề an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu, đồng thời yêu cầu rút tất cả vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu cũng như tháo dỡ cơ sở hạ tầng triển khai vũ khí này. Trong một tuyên bố gay gắt hơn vài tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Bắc Âu sẽ được đưa vào danh sách các mục tiêu quân sự hợp pháp trong kịch bản xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cũng đã cảnh báo những tiến bộ công nghệ và căng thẳng địa chính trị leo thang khiến nhân loại có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, Mỹ mới đây. Ông Guterres tuyên bố, các quốc gia đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo để tăng cường khả năng sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn.

Những tiến bộ như vậy đang “làm tăng thêm nguy cơ” sử dụng vũ khí hạt nhân và thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga sắp hết hạn vào năm 2026. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải đi đầu trong việc thúc đẩy các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mới.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nga-my-leo-thang-cang-thang-hat-nhan-5012547.html