Quyết định được đưa ra ngày 6/12 sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) yêu cầu bắt hai quan chức Ukraine là Phó thủ tướng Iryna Vereshchuk (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Emine Dzhaparova (phải).
"Yêu cầu đã được chấp thuận", bà Anastasia Romanova, phát ngôn viên tòa án khu vực Lefortovsky của Moscow nói (Hình ảnh Phó thủ tướng Iryna Vereshchuk trong một bài phát biểu).
Hồi tháng 9/2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine sau khi tổ chức trưng cầu dân ý ở Donetsk và Lugansk ở miền đông, cùng Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam.
Tuy nhiên cả Liên Hợp Quốc và phương Tây cùng nhiều quốc gia khác không công nhận điều này, nhiều chính trị gia Ukraine vẫn tới thăm các vùng lãnh thổ này.
Phó thủ tướng Vereshchuk, người phụ trách về các vấn đề tái sáp nhập lãnh thổ bị kiểm soát, đã tới Kherson sau khi lực lượng Ukraine tái kiểm soát thành phố vào tháng 11/2022.
Trong khi đó, Thứ trưởng Dzhaparova thúc đẩy các vấn đề liên quan tới dân tộc thiểu số trên bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014.
Bà Dzhaparova kêu gọi ủng hộ quốc tế với việc "giải phóng Crimea và trả lại cho Ukraine".
Cả hai nữ chính trị gia của Ukraine đều bị đưa vào danh sách truy nã của Nga. Đáp lại lệnh bắt của Nga, Dzhaparova mỉa mai rằng Moscow đã thừa nhận "hiệu quả công việc của tôi".
Tháng trước, Tổng thống Zelensky cũng tới thăm Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên, sau khi Nga tuyên bố rút quân sang bờ đông sông Dnieper để thiết lập phòng tuyến mới.
Trong khi hôm qua (ngày 6/12), ông Zelensky cũng đã đến thăm thành phố Sloviansk ở Donetsk, một trong 4 tỉnh mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.
Hơn 9 tháng qua, xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và triển vọng đàm phán vẫn rất xa vời do các bên có quan điểm khác nhau.
Nga dường như vẫn đặt cược vào một thắng lợi quân sự ở Ukraine, trong khi Kiev quyết không nhượng bộ, khiến khả năng đàm phán đi vào ngõ cụt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/12 cho biết ông sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu "ông ấy thực sự muốn tìm cách chấm dứt chiến tranh".
Khi được hỏi về bình luận này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán, miễn là "các lợi ích quốc gia Nga" được đảm bảo.
Nhưng ông Peskov cũng lưu ý rằng việc Tổng thống Mỹ yêu cầu ông Putin "rút quân Nga ra khỏi Ukraine" khiến các cuộc đàm phán khó xảy ra.
"Mỹ vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới của Nga. Điều đó làm phức tạp nỗ lực tìm kiếm nền tảng để tổ chức các cuộc thảo luận cùng nhau", ông Peskov nói, ám chỉ tới 4 vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022.
Ông Putin trước đó điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cáo buộc phương Tây theo đuổi chính sách "phá hoại" ở Ukraine thông qua hỗ trợ tài chính và quân sự, khiến Kiev "bác bỏ ý tưởng về bất kỳ cuộc đàm phán nào".
Giới quan sát cho rằng những bình luận mới của Nga cho thấy tương lai đàm phán chấm dứt xung đột là điều xa vời.
Nga nhiều khả năng đã đóng cánh cửa đàm phán sau quyết định sáp nhập 4 tỉnh gây đầy tranh cãi và phản đối của Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.