Ngã rẽ của chàng 'thủ khoa kép'

Câu chuyện về Nguyễn Hữu Hưng - sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)...

Nguyễn Hữu Hưng đạt nhiều thành tích tốt trong 4 năm học đại học. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hữu Hưng đạt nhiều thành tích tốt trong 4 năm học đại học. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hữu Hưng - sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) là thủ khoa tốt nghiệp đại học toàn trường khóa 2020 - 2024 với điểm trung bình 9,2/10. Trước đó, nam sinh này là thủ khoa toàn quốc tổ hợp C00 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và từng theo học ngành Báo chí.

Từ chối học bổng “khủng”

Nguyễn Hữu Hưng đỗ vào ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với số điểm 29,25 tổ hợp C00. Chàng thủ khoa cho hay, lúc ấy ngành Báo chí của trường đã thu hút cậu bởi số điểm đầu vào cao. Đồng thời, với thế mạnh môn Ngữ văn, ảnh hưởng từ truyền thông, thầy cô nhận định Báo chí là ngành “hot”, cơ hội việc làm rộng mở nên Hưng đã cân nhắc chọn ngành này.

“Một trường đại học tư thục đã liên lạc để thuyết phục em về trường học ngành Truyền thông đa phương tiện. Họ sẽ đài thọ 4 năm học phí. Tất cả yếu tố xung quanh đều xoay quanh Báo chí và Truyền thông nên em chọn học ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khi bắt đầu học, em rất phấn khởi, thậm chí viết báo sớm và được đăng bài.

Tuy nhiên, sau một kỳ học, nhận ra mình không thể theo đuổi ngành này lâu dài, tính chất của nghề báo khiến người làm ở trong trạng thái ít được nghỉ ngơi, luôn làm việc và phải cập nhật tin tức thường xuyên. Đặc biệt, sau khi học xong môn Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, em cảm thấy nghề báo không tương thích nên đến năm 2 đã chuyển hẳn sang ngành Văn học”, Hưng nhớ lại và cảm thấy đây là quyết định đúng đắn.

Trong thời kỳ dịch Covid-19, Hưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển ngành. “Em lo lắng và không biết có thể tiếp tục theo học được không. Sợ không chuyển được sẽ lỡ một năm... Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, em đã cố gắng chuyển hóa những áp lực thành động lực để cố gắng hơn”, Hưng chia sẻ.

 Nguyễn Hữu Hưng - thủ khoa kép của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC.

Nguyễn Hữu Hưng - thủ khoa kép của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi

Chia sẻ về bí quyết học tập, chàng thủ khoa cho biết kiến thức là điều thú vị, cậu luôn giữ tâm thế hồ hởi và sẵn sàng tiếp nhận. “Mỗi khi học, em luôn tìm cách hiểu rõ hơn về những gì được giảng dạy. Thậm chí khi về nhà, nếu có vấn đề chưa thỏa đáng, em thường suy tư về nó, có lúc thức dậy giữa đêm để tìm kiếm thông tin. Tâm thế này giúp bản thân luôn trong trạng thái vận động, không ngừng tìm tòi và học hỏi”, Hưng cho hay.

Là người cầu toàn, Hưng luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân lộ trình học từ trước. “Em phân ra mỗi kỳ sẽ học những nhóm môn gì, các môn có liên quan với nhau sẽ đăng ký học cùng một thời gian. Ví dụ học kỳ này, học các môn liên quan đến phê bình thì sẽ đăng ký học thêm về phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh. Cách học như vậy sẽ bổ trợ cho nhau rất nhiều và em thấy rất hay, hiệu quả”, Hưng nói.

Việc học không chỉ tích lũy kiến thức, mà còn là hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Bằng cách học hỏi và kết nối các môn, người học có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó mở rộng hiểu biết và tạo thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm, Hữu Hưng cho biết thêm, sau khi có tâm thế học tốt, cần tập trung vào việc kết nối những gì đã học với thực tiễn. Đồng thời, phải có tinh thần cầu thị. “Không hài lòng với những gì mình đã học là yếu tố then chốt để tiến bộ. Nhiều người nghĩ rằng học đại học là đủ, nhưng em không suy nghĩ như vậy.

Em luôn tin rằng việc học không chỉ giới hạn trong trường lớp, mà còn phải liên tục tìm hiểu và phát triển bản thân. Do đó, em thường tìm cách kết nối các môn học với nhau để tạo ra động lực học tập. Ví dụ, giữa ngành Văn học, Báo chí và Ngôn ngữ học có nhiều mối liên hệ có thể khai thác”, Hưng phân tích thêm về cách học.

Thời ở giảng đường, chàng thủ khoa còn tham gia một số câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ, dành cho giới trẻ… Tuy nhiên, sau khi xác định rõ hướng đi, Hưng muốn đi tập trung tốt nhất cho con đường học thuật. Hưng quyết định dừng tham gia câu lạc bộ và chỉ tham gia các hoạt động phù hợp với tiêu chí của các danh hiệu tại trường.

“Chẳng hạn như đi xem phim do khoa tổ chức, tham quan bảo tàng, sự kiện ra mắt sách, cải biên văn học thành điện ảnh, nghệ thuật sân khấu… Tham gia những hoạt động này đã mang lại cho em những trải nghiệm quý giá, tốt cho chuyên môn và có thêm điểm rèn luyện…”, Hưng cho hay.

Ngoài việc học, Hưng dành thời gian làm gia sư. Theo Hưng, dạy học đã giúp cậu ứng dụng kiến thức đã học và giao tiếp nhiều hơn. “Dù hơi căng thẳng, nhưng công việc này mang lại kinh nghiệm quý giá và góp phần vào phát triển chuyên môn của bản thân. Nhờ sắp xếp thời gian hợp lý, em vẫn giữ được sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoài giờ”, Hưng nói.

TS Nguyễn Thị Phương Thúy - giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) dành cho học trò nhiều lời khen. Cô nói: Hưng là sinh viên có năng lực, chăm chỉ, cầu tiến; luôn có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, ý chí vượt khó để đạt được mục tiêu.

“Hữu Hưng luôn chủ động xử lý vấn đề, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không ỷ lại người khác. Làm công tác chủ nhiệm và từng dạy Hưng 3 môn học, tôi đánh giá cao những ưu điểm này. Hưng xứng đáng với thành quả mà em đạt được hôm nay”, cô Thúy nói.

Sau 4 năm học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Nguyễn Hữu Hưng có những thành tích ấn tượng như: Đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia TPHCM và cấp thành phố năm 2023; 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường; 2 năm liền đạt sinh viên tiêu biểu xuất sắc… Sắp tới, Hưng sẽ học cao học Ngôn ngữ học và dự kiến theo bậc cao học ngành Văn học Việt Nam khi điều kiện cho phép.

“Việc học giống như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi. Chúng ta hãy luôn vận động và phát triển để giữ vững vị trí hiện tại. Khi đã xác định được tâm thế, chắc chắn chúng ta có thể tiến xa hơn”, Nguyễn Hữu Hưng nêu quan điểm.

Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nga-re-cua-chang-thu-khoa-kep-post705268.html