Phát triển Toán học: Cần thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, giảng dạy

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục nghiên cứu, tạo sân chơi cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ. Chú trọng thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc tại Hội nghị sơ kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học tổ chức vừa qua.

Nhiều thành tựu nổi bật

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, kế thừa kết quả, bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2010 – 2020, Chương trình quốc gia phát triển toán học 2021 – 2030 đã và đang triển khai các hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toán học của nước nhà.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị

Nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình được xây dựng gắn với chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực toán học và các ngành công nghệ mới nổi (AI, dữ liệu lớn, khoa học máy tính, công nghệ số …), các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học toán ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Chương trình toán học quốc gia là cầu nối giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà toán học nước ngoài trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chung.

 Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán Lê Minh Hà

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán Lê Minh Hà

Theo Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, ông Lê Minh Hà, các nhiệm vụ, giải pháp ban đầu chủ yếu do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chủ trì thực hiện. Chương trình bước đầu đạt được những thành tựu nhất định; nổi bật là các kết quả về đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức Toán học; thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao; hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán và hỗ trợ đào tạo tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán.

Một số địa phương đã chủ động tiếp cận và tổ chức thường niên Ngày hội Toán học mở theo cấu trúc của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán như: Phú Thọ, An Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, góp phần mang Toán học đến gần hơn với hàng nghìn lượt người. Những hoạt động chào mừng Ngày Toán học thế giới (IDM) đã được đánh dấu trên bản đồ.

Đặc biệt, năm 2023 có 90 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đã về nước tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc, tạo sự kết nối giữa cộng đồng Toán học Việt Nam trong và ngoài nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận về những khó khăn, hạn chế, đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2024 - 2026.

Cũng theo ông Lê Minh Hà, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học; có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp; hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tác động lâu dài

Tại hội nghị, các khách mời đã được nghe các tham luận đến từ các giáo viên, nhà khoa học như: Các hoạt động quảng bá Toán học, nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho giáo viên; Nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu ứng dụng Toán học; Hoạt động hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu và nhà khoa học của Chương trình Toán… đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Toán học.

TS. Tạ Thúy Anh, nghiên cứu về vận trù học ở ĐH Phenikaa cho biết, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học có những cách thực hiện rất mới mẻ, vượt ra khỏi các khuôn khổ cũ và được đánh giá là giúp các nhà nghiên cứu trẻ “có thể ứng tuyển mà không gặp bất cứ một rào cản nào, không cần các điều kiện chẳng hạn như phải từng chủ trì đề tài cơ sở trước đó”. Điều này giúp những người trẻ mới từ nước ngoài trở về, đang có đà nghiên cứu rất tốt ở nước ngoài có thể tiếp tục nghiên cứu, không bị gián đoạn, đồng thời bớt đi được một phần gánh nặng kinh tế.

Đặc biệt, tính chất bao trùm là một trong những yếu tố quan trọng mà Chương trình chú ý khi đẩy mạnh phổ biến tri thức Toán học thông qua các ngày hội Toán học, trại hè toán học hay hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán cho giáo viên Toán, giáo viên các trường THPT chuyên Toán, cán bộ quản lý các phòng giáo dục, sở GD-ĐT... ở nhiều địa phương khác nhau.

GS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, nhìn nhận lại các kết quả bước đầu đã đạt được sau ba năm triển khai, nếu chỉ điểm qua những điểm nhấn đã đạt được sẽ chưa thể nói hết được vai trò của Chương trình.

"Dù đã có những con số rất rõ ràng như ở bậc phổ thông là hai vạn học sinh được thụ hưởng các ngày hội Toán học, các đề tài đã giúp duy trì các nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm nghiên cứu xuất sắc, duy trì các hướng nghiên cứu mạnh truyền thống… cho đến triển khai đào tạo cho bốn nghìn lượt giáo viên, cán bộ quản lý ở địa phương, nhưng rất có thể còn nhiều năm nữa chúng ta mới nhìn thấy hết tác động", ông Linh cho biết.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị sơ kết

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị sơ kết

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Chương trình quốc gia phát triển toán học đặt ra mục tiêu và kỳ vọng rất lớn cho sự phát triển của toán học nước nhà. Theo đánh giá, một số mục tiêu đã đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình. Cụ thể:

Thứ nhất, việc phổ biến tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Chương trình còn hạn chế ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, một số nhiệm vụ, giải pháp vì lý do khách quan và chủ quan đã triển khai chậm so với yêu cầu như phát triển các trung tâm nghiên cứu mạnh về toán khu vực Bắc – Trung – Nam.

Thứ ba, việc tổ chức một số nhiệm vụ, giải pháp đâu đó còn rời rạc, manh mún, chưa tạo tính kết nối mạnh mẽ giữa toán học với các lĩnh vực khoa học khác.

Thứ tư, hợp tác quốc tế về phát triển toán học có những chuyển biến, kết quả bước đầu, tuy nhiên xét trên bình diện chung thì vẫn hạn chế so với yêu cầu; một số địa phương, cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động việc tìm kiếm hợp tác, đặc biệt hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học ở nước ngoài.

Cuối cùng, nguồn lực đầu tư cho khoa học toán, toán ứng dụng còn hạn chế so với tiềm lực sẵn có.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đề nghị đơn vị điều phối Chương trình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý về triển khai Chương trình; tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ giải pháp phù hợp với tình hình mới. Khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thời gian qua để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Nghiên cứu đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động Chương trình đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tăng tính kết nối của Toán học với các lĩnh vực khoa học khác. Tiếp tục nghiên cứu, tạo sân chơi cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ. Chú trọng thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy.

Tham mưu ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện Chương trình, chế độ báo cáo; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện trong hơn 3 năm qua.

Đối với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định 2200; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Đề án đề ra; bố trí các nguồn lực để thực hiện Đề án.

Đối với các tỉnh, thành phố, tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình; bố trí các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

"Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ, cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chương trình; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của đơn vị", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc kiến nghị.

Trang Nhung - Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-toan-hoc-can-thu-hut-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-o-nuoc-ngoai-tham-gia-nghien-cuu-giang-day-post394304.html