Nga, Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu đến hết năm 2023

Giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố sẽ kéo dài cam kết cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu đến hết năm nay.

Một tàu chở dầu đang nạp dầu ở cảng Kozmino thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: Bloomberg

Một tàu chở dầu đang nạp dầu ở cảng Kozmino thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: Bloomberg

Hôm 5-9, hãng thông tấn nhà nước SPA dẫn lời một quan chức của Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết, Saudi Arabia sẽ kéo dài cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng nữa. Cam kết này được thực hiện bắt đầu từ tháng 7 và liên tiếp được gia hạn.

Trong một tuyên bố vào cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ gia hạn quyết định tự nguyện giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày đến cuối năm nay. Quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ.

Trong những tháng qua, Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới đã tự nguyện cắt giảm nguồn cung dầu cùng Saudi Arabia bên cạnh quyết định cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận của liên minh OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài.

Động thái gia hạn cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia có thể làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn kiểm soát giá xăng trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới trong bối cảnh lạm phát và chi phí nhiên liệu cao trở thành mục tiêu công kích của đảng Cộng hòa.

Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, nhận định, quỹ đạo tăng giá gần đây của dầu có thể khiến số giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao trong tháng 8.

“Các đợt tăng giá dầu trong thời gian tới sẽ đặt ra thách thức mới đối với các ngân hàng trung ương khi họ tiếp tục nỗ lực đưa mức lạm phát trở lại mức mục tiêu mong muốn của họ”, ông nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Joe Biden đang tập trung thực hiện mọi biện pháp nằm trong thẩm quyền của ông để giúp kiểm soát giá xăng. Tuy nhiên, ông Biden không có kế hoạch gặp song phương với Thái tử Mohammed bin Salman, người cầm quyền trên thực tế của Saudi Arabia, tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này ở New Delhi (Ấn Độ).

Bob McNally, cựu cố vấn năng lượng của Nhà Trắng, cho rằng việc gia hạn cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu dường như được thiết kế để chứng minh sự đoàn kết giữa Saudi Arabia và Nga về chính sách dầu mỏ cũng như nhằm hạn chế nguy cơ đà tăng trưởng trì trệ của kinh tế thế giới gây áp lực lên giá dầu thô.

Các lãnh đạo trong ngành dầu mỏ lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể cố gắng sử dụng nguồn cung dầu để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ vì các ứng cử viên tiềm năng như cựu tổng thống Donald Trump đã gợi ý về việc sẽ cố gắng thuyết phục Ukraine đàm phán với Moscow.

Saudi Arabia cũng có mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump, người đã chọn nước này là điểm đến trong chuyến công du ngoài đầu tiên trên cương vị tổng vào năm 2017. Thái tử Mohammed bin Salman cũng muốn giá dầu cao hơn để tài trợ cho chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần dầu thô Brent giao dịch ở mức trung bình khoảng 81 đô la/thùng trong năm 2023 để cân bằng ngân sách. Nước này đã rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm nay sau khi ghi nhận thặng dư lần đầu tiên trong năm 2022 sau gần một thập niên.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã theo đuổi chính sách dầu mỏ quyết đoán hơn, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng dầu từ Washington để giúp kiểm soát lạm phát.

Dan Pickering, giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, nhận định Saudi Arabia quyết tâm đẩy giá dầu lên mức cao hơn và bảo đảm không giảm trở lại. “Đối với tôi, động thái gia hạn cắt giảm sản lượng chứng tỏ rằng Saudi rất nghiêm túc. Giá sàn của dầu thô đang tiến lên cao mức cao hơn”, Pickering nói.

Hôm 5-9, giá dầu Brent ở London, tăng 1,2% lên mức 90,04 đô la/thùng, lần tiên phá vỡ ngưỡng 90 đô la kể từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đà tăng của giá dầu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do nhu cầu dầu suy yếu ở Trung Quốc.

Sản lượng dầu của Saudi Arabia giảm từ khoảng 10,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 xuống còn khoảng 9 triệu thùng/ngày, thông qua sự kết hợp giữa các mục tiêu sản xuất bắt buộc của tổ chức OPEC+ và việc cắt giảm tự nguyện.

Thông báo mới của Saudi Arabia có nghĩa là sản lượng dầu của nước này sẽ duy trì ở mức 9 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 12, thấp hơn 25% so với công suất tối đa 12 triệu thùng/ngày.

Theo CNN, Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nga-saudi-arabia-tiep-tuc-cat-giam-nguon-cung-dau-den-het-nam-2023/