Nga trở lại top 10 nền kinh tế thế giới: Phương Tây 'góp công'?
Sau gần một thập kỷ, Nga trở lại top 10 nền kinh tế thế giới giữa bối cảnh trừng phạt bủa vây.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các dịch vụ thống kê cho thấy, Nga đã vươn lên vị trí thứ 8 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2014, Nga đứng thứ 9 trong danh sách này nhờ sản xuất hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,05 nghìn tỷ USD. Đến năm 2022, con số này là 2,3 nghìn tỷ USD, đưa Nga trở lại top 10, sau khi xếp vị trí thứ 11 vào năm 2021.
Nền kinh tế Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng này vào năm 2022, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 25,5 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 2 (17,9 nghìn tỷ USD), tiếp theo là Nhật Bản (4,2 nghìn tỷ USD), Đức (4,07 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (3,4 nghìn tỷ USD). Ngoài ra, Vương quốc Anh vẫn đứng thứ 6 (3,07 nghìn tỷ USD) trong danh sách và Pháp đứng thứ 7 (2,8 nghìn tỷ USD).
Xếp hạng GDP năm 2022 của các quốc gia dựa trên dữ liệu hàng năm hoặc hàng quý mới nhất từ thống kê quốc gia tính trên đơn vị tiền tệ nước đó, hoặc được tính toán theo đồng USD nếu cần, với tỷ giá hối đoái trung bình trong khoảng thời gian tương ứng.
Đáng nói, thành tích của Nga đạt được ngay cả khi nước này được mệnh danh là "quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới". Kể từ sau chiến sự Ukraine, Nga đã trở thành đối tượng của hơn 13.000 hạn chế. Con số này nhiều hơn của cả Iran, Cuba và Triều Tiên cộng lại.
Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm 2022, và thậm chí được Quỹ tiền tệ (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2023. Điều này càng củng cố khẳng định trước nay của Điện Kremlin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là "vô dụng".
Trên thực tế, lệnh trừng phạt đã thay đổi ít nhiều phương thức hoạt động kinh tế của Nga, cũng cho thấy khả năng thích nghi mạnh mẽ của Chính phủ Moscow.
Trước chiến tranh, chính sách kinh tế của Nga chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và dòng vốn tương đối tự do. Giờ đây, những yếu tố đó đã được thay thế bằng các biện pháp kiểm soát vốn; phân loại các quốc gia là thân thiện hoặc thù địch; sử dụng tối đa đồng rúp hoặc nhân dân tệ trong thanh toán...
Sau khi xe tăng Nga tràn qua biên giới Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng tung ra các làn sóng trừng phạt mới để đáp trả, đóng băng dự trữ ngoại hối và vàng của Nga, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng đồng USD, euro của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của khối kinh tế Chính phủ Moscow đã giảm bớt tác động từ làn sóng trừng phạt trên. Nga đặt ra các hạn chế đối với việc luân chuyển vốn và tăng lãi suất cơ bản lên 20%, ngăn dòng vốn chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng - vốn đã bị "chảy máu" hơn 2 nghìn tỷ rúp (30 tỷ USD) trong 2 tuần đầu tiên của cuộc chiến.
Đến cuối tháng 4, việc tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn và lệnh cấm rút tiền mặt từ nước ngoài đã buộc người Nga phải trả lại gần 90% số tiền họ đã rút từ tài khoản. Việc hệ thống ngân hàng Nga không gặp phải các vấn đề nghiêm trọng đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước này vẫn phát triển và tình trạng hoảng loạn lắng xuống.
Một khía cạnh khác trong phản ứng của Nga đối với các biện pháp trừng phạt là Moscow ngày càng củng cố mối quan hệ với các quốc gia "thân thiện" hơn, từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống (UAE), đến Myanmar hay các quốc gia châu Phi. Nhiều công ty Nga thậm chí đã tham gia vào một tập đoàn cơ sở hạ tầng do Taliban thành lập ở Afghanistan.
Trong khi đó, mối quan hệ của Nga với đồng minh chủ chốt là Trung Quốc ngày càng được mô tả là "phụ thuộc về mặt kinh tế". Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa hai nước đã tăng gần 1/3, đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2022.
Các mặt hàng năng lượng chiếm hơn 2/3 xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 của Trung Quốc, và nhà cung cấp LNG lớn thứ 4 của nước này. Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ bao gồm hàng tiêu dùng mà còn ngày càng nhiều hàng công nghệ cao.
Nhập khẩu xe tải, máy xúc và phụ tùng xe từ Trung Quốc đã tăng đáng kể vào năm 2022. Bất chấp những hạn chế của phương Tây đối với chất bán dẫn và vi mạch, Nga vẫn nhập hầu hết thiết bị điện tử và chất bán dẫn từ nhà cung cấp Trung Quốc.
Mặt trái của những mặt hàng xuất khẩu phá kỷ lục này là người mua độc quyền có thể tác động đến giá cả, trong khi vị thế đàm phán của Nga đang trở nên yếu đi. Các khoản thanh toán đến và đi từ các đối tác Trung Quốc phần lớn được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ hơn là đồng rúp. Tỷ lệ thanh toán thương mại Nga-Trung được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ cũng tăng vọt trong 2 năm qua.
Và nghịch lý thay, trừng phạt của phương Tây dường như còn giúp củng cố pháo đài Nga trong ngắn hạn, bằng cách cô lập nền kinh tế nước này khỏi những cú sốc toàn cầu thời gian qua.
Lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng Mỹ. Sự sụp đổ của ba ngân hàng vào tháng 3 đã khiến thị trường này rơi vào tình trạng quay cuồng, trước lo ngại về cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Nga - được "cách ly" an toàn khỏi thị trường tài chính toàn cầu bởi các biện pháp trừng phạt - không chịu tổn hại.
Giá dầu và khí đốt ít nhiều hiện nay là kênh duy nhất mà các cú sốc bên ngoài có thể tác động đến Nga. Nếu có một cuộc suy thoái toàn cầu, khiến cho những mức giá đó giảm đáng kể, thì nền kinh tế Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhưng đó vẫn là một kịch bản còn xa, đặc biệt khi các quốc gia OPEC+ (gồm cả Nga) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay để tránh sụt giá. Nga cũng đã tiến thêm một bước là thay đổi công thức tính thuế dầu khí để giảm thiểu thất thu ngân sách.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-tro-lai-top-10-nen-kinh-te-the-gioi-phuong-tay-gop-cong.html