Cô dâu là TiTi Ngọc Chu – Trưởng nữ của gia đình doanh nhân Chu Thị Hồng Anh, chú rể là Vignesh Venugopal, con trai của một dòng tộc gia thế ở Malaysia, gốc Ấn Độ.
Là một người rất yêu những giá trị truyền thống văn hóa, đặc biệt miền bắc luôn gợi lên trong chị tình cảm sâu sắc về nguồn cội khi ba chị là người Nam Định, mẹ là người Hà Nội nên doanh nhân Chu Thị Hồng Anh muốn đưa con gái trở về với nguồn cội quê hương trong dịp trọng đại của đời người.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đây là một kiểu "chơi" văn hóa rất có đẳng cấp. Ngoài các phần trình diễn hòa nhạc cổ truyền, Nhã nhạc Cung Đình Huế, hát Văn, hát Xẩm, tuồng cổ, còn có phần biểu diễn múa lân sư rồng, múa trống với đội hình huy động gần 40 người. Nếu tính cho hết thì có đến gần 100 người tham gia biểu diễn gần giống như một sự kiện văn hóa nghệ thuật.
Trước hôm Lễ hằng thuận một ngày, đoàn người tham dự tiệc cưới đã du thuyền trên sông Tràng An như một kiểu tái hiện lại nghi thức rước dâu trên sông của miền quê Bắc Bộ thời xa xưa. Chưa kể, Tràng An xưa kia cũng từng là chốn thần tiên vui chơi dạo cảnh của các Vương tôn công tử, cung tần mỹ nữ.
Giữa sông nước hữu tình, núi non kỳ vỹ và sự linh thiêng của đất trời, những đền thờ các vị thánh thần, vua chúa trong quần thể di sản Tràng An, những làn điệu dân ca Quan Họ đã đưa thuyền người xuôi dòng, nâng ly chúc mừng cho đôi uyên ương mà thấm đượm tình thân quyến, tình dân tộc đầy xúc cảm.
Những bài hòa tấu của dàn nhạc cổ truyền được vang lên lúc đón tiếp khách tham dự, ngoài bài Tứ quý (Bắc bộ) mang không khí tươi vui, hân hoan trong ngày xuân thì các bài Nhạc Huế thuộc dàn tiểu nhạc và có tính chất trang trọng, xưa kia dùng trong các hoạt động nghi lễ cung đình và trong yến tiệc đãi khách của thời Nguyễn.
Có thể nói, đám cưới đã mang đến cho cô dâu chú rể cùng hai bên gia đình, khách mời tham dự nhiều cung bậc cảm xúc qua từng không gian nghệ thuật được sắp đặt vô cùng tinh tế.
Theo doanh nhân Đoàn Thu Thủy (Bếp nhà lục tỉnh) chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi dự một tiệc cưới đầy cảm xúc như vậy. Văn hóa Việt Nam và món ăn Việt Nam được đưa vào hợp lý, không phô trương, không xa hoa thừa mứa, tất cả chỉn chu và đẹp đầy tính nghệ thuật. Tôi nghĩ không phải ai cũng làm được, không phải có tiền là làm được."
Bà Nida Nakpresha, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Quảng cáo đa quốc gia JWT (nay gọi là Wunderman Thompson Thailand) chia sẻ: "Hồng Anh đúng là không bao giờ làm điều những điều giống phụ nữ bình thường, mà cô ấy luôn làm mọi thứ thật cao đẹp và tôi yêu tất cả những gì Hồng Anh làm. Tôi đã biết cô ấy gần 30 năm qua.".
Từ khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình, đến hình ảnh những tà áo dài truyền thống bay thướt tha của tất cả đoàn người tham dự, trong đó có không ít khách quý là người nước ngoài, và âm thanh mê hoặc lòng người của những làn điệu Quan Họ đã làm nên một sự kiện đám cưới đặc biệt, gây ấn tượng mạnh sâu sắc trong lòng người.
Kết thúc 2 ngày đêm của “lễ hội” đám cưới, vẫn còn đâu đây âm vang di sản văn hóa dân tộc trong lòng người chứ không chỉ riêng gì niềm vui hạnh phúc trong ngày đẹp của đôi uyên ương: nàng Việt Nam - chàng Malaysia. Khoảng cách địa lý, văn hóa dường như đã bị xóa sạch, hòa chung làm một con tim.
Hồng Quyên (t/h)