Ngăn chặn mối nguy hại từ 'thực phẩm bẩn'
Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối thời gian qua khi mà thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém vẫn đang bày bán tràn lan.
Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội mong muốn có những quy định rõ ràng, cụ thể, tăng nặng chế tài xử phạt đối với vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm và có phương án bồi thường cho người tiêu dùng, ngăn chặn triệt để vấn nạn "thực phẩm bẩn".
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) phản ánh thực tế là gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết, bởi sau thời gian dài sử dụng, thực phẩm kém chất lượng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc đưa "thực phẩm bẩn" ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng.
Cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm, nông sản "bẩn", hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại. Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của "thực phẩm bẩn" cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ngan-chan-moi-nguy-hai-tu-thuc-pham-ban-710768