Ngăn chặn nguy cơ kháng kháng sinh trong nông nghiệp

Những năm gần đây, tình trạng kháng kháng sinh trong nông nghiệp đã trở thành vấn đề thách thức của toàn cầu, Việt Nam đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng kháng kháng sinh này.

Vấn đề của toàn cầu

Những năm gần đây, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra các giải pháp để bảo đảm việc sử dụng kháng sinh hợp lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách, hạn chế tình trạng kháng thuốc, thay đổi nhận thức để ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y và cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, kháng kháng sinh là vấn đề rất lớn, được toàn cầu quan tâm vì nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, động vật, gây mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ kháng kháng sinh. 4 tổ chức quốc tế gồm: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đã đưa ra “Kế hoạch hành động chung về một sức khỏe (2022-2026)” nhằm cùng nhau hợp tác vì sức khỏe của con người, động vật và môi trường để đạt được kết quả tốt nhất cho công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Đây được coi là cách tiếp cận chính để giải quyết những thách thức phức tạp mà toàn cầu cũng như Việt Nam đang phải đối mặt về tình trạng kháng kháng sinh (kháng thuốc).

 Từ năm 2026, điều trị bệnh động vật phải theo đơn thuốc (trang trại chăn nuôi thỏ ở Thái Nguyên).

Từ năm 2026, điều trị bệnh động vật phải theo đơn thuốc (trang trại chăn nuôi thỏ ở Thái Nguyên).

Nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp chống kháng kháng sinh

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng kháng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y, cộng đồng, Việt Nam cần triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp để phòng, chống, như: Phối hợp xây dựng khung hành động chung làm nền tảng cho hợp tác đa ngành; giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành và xây dựng, triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực về y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương;... giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực này. Việc xây dựng các bộ chỉ số theo dõi, đánh giá đối với các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương; duy trì hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin về vấn đề kháng thuốc giữa các bộ, ngành, các đối tác có liên quan từ Trung ương đến địa phương cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hiệu quả tình trạng kháng kháng sinh trong nông nghiệp.

 Trang trại chăn nuôi ở Nghệ An.

Trang trại chăn nuôi ở Nghệ An.

Về phía ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT thời gian qua đã triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020. Ngày 23-8-2021, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Bộ NN-PTNT cũng ban hành quyết định thành lập Tiểu ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp và quy chế hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo. Bộ NN-PTNT cũng đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ ngày 1-1-2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ ngày 1-1-2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, từ năm 2026 trở đi, đối với lĩnh vực chăn nuôi trong nông nghiệp, thuốc kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị bệnh cho động vật khi động vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y. Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành các thông tư quy định về hướng dẫn kê đơn thuốc thú y (Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT), tiếp đến là tài liệu hướng dẫn cách kê đơn thuốc thú y trong điều trị bệnh động vật để hướng tới sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm trong chăn nuôi thú y.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ngan-chan-nguy-co-khang-khang-sinh-trong-nong-nghiep-780564