Ngăn chặn tốc độ ấm lên ở châu Âu
Theo các báo cáo khí hậu gần đây, châu Âu đã chứng kiến một tháng 10 ấm kỷ lục và bất thường, chưa kể những hình thái thời tiết trái ngược khác đang được ghi nhận ở những khu vực khác. Tất cả đều được cho là bắt nguồn từ hiện tượng ấm lên toàn cầu, một vấn đề cấp bách đang được các nhà lãnh đạo thế giới họp và đưa ra giải pháp tại COP27.
Xáo trộn hình thái thời tiết
Theo Dịch vụ thay đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S), nhiệt độ được ghi nhận vào tháng 10 ở châu Âu được cho là ấm nhất khi tăng gần 2 độ C so với thời kỳ tham chiếu trong khoảng thời gian từ 1991-2020.
Phó Giám đốc C3S, ông Samantha Burgess cho biết: “Những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang hiện diện rất rõ ràng và chúng ta cần đáp ứng hành động khí hậu đầy tham vọng tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập để đảm bảo giảm lượng khí thải nhằm ổn định nhiệt độ gần với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C”.
Cơ quan giám sát khí hậu cho biết, một đợt khí hậu ấm đã mang lại nhiệt độ hàng ngày cao kỷ lục cho khu vực Tây Âu và một tháng 10 ấm kỷ lục cho Áo, Thụy Sĩ và Pháp. Trong khi Italy và Tây Ban Nha cũng chứng kiến kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ vào tháng trước. Cùng với đó, Canada cũng đã trải qua thời kỳ ấm kỷ lục và điều kiện ấm hơn nhiều so với mức trung bình cũng xảy ra ở Greenland và Siberia.
Theo C3S, tháng 10/2022 cũng chứng kiến điều kiện khô hơn mức trung bình ở hầu hết các nước Nam Âu. “Thời tiết khô hơn mức trung bình ở hầu hết các khu vực trung tâm Bắc Mỹ, vùng Sừng Châu Phi, một số khu vực lớn của Nga, Trung Á và Trung Quốc, và các khu vực của Nam Mỹ”- trích báo cáo của C3S.
Tin tức này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tụ họp tại Ai Cập, tại COP27 để tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu và đối mặt với những lời kêu gọi khẩn cấp cắt giảm lượng khí thải để ngăn chặn thảm họa khí hậu hơn nữa.
Tại COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres cảnh báo rằng, các quốc gia phải hợp tác hoặc đối mặt với “hành động tự sát tập thể” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhân loại cần lựa chọn: hợp tác hoặc diệt vong”.
Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cho biết, nếu dự báo cho năm 2022 được giữ nguyên, thời tiết sẽ nóng hơn bất kỳ năm nào trước năm 2015, vì nó được tác động bởi tốc độ ấm lên toàn cầu gia tăng đáng kể. Tổ chức này cho biết thêm, mực nước biển dâng, sông băng tan chảy, mưa xối xả, sóng nhiệt đều tăng tốc do sự nóng lên toàn cầu.
Trái đất đã ấm lên hơn 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ 19 và khoảng một nửa mức tăng đó xảy ra trong 30 năm qua. Năm nay là năm ấm lên thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận bất chấp tác động của La Ninã - một hiện tượng tự nhiên xảy ra định kỳ ở Thái Bình Dương làm lạnh bầu khí quyển - kể từ năm 2020.
Hành động để ngăn hậu quả
WHO cho biết, từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là quãng thời gian nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay và nhiệt độ đặc biệt cao đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua kể từ thời Trung cổ.
Ông Hans Kluge - Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, thông báo, nắng nóng đã khiến gần 4.000 người tử vong ở Tây Ban Nha trong khi số người tử vong bởi thời tiết cực đoan trong mùa Hè vừa qua ở Bồ Đào Nha là hơn 1.000 người, ở Vương quốc Anh là hơn 3.200 người và ở Đức là khoảng 4.500 người.
Cùng với đó, cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo, các đợt nắng nóng có thể khiến 90.000 người châu Âu tử vong/năm cho tới cuối thế kỷ này.
EEA nêu rõ: “Nếu không có các biện pháp ứng phó, theo kịch bản nhiệt độ Trái Đất tăng 3 độ C vào năm 2100, 90.000 người ở châu Âu có thể tử vong do nắng nóng mỗi năm. Con số này sẽ giảm xuống 30.000 người/năm nếu mức tăng nhiệt toàn cầu là 1,5 độ C”.
Các nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng các đợt nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu. Việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch của con người như than đá, khí đốt và dầu mỏ đã khiến thời tiết nóng hơn, các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn.
Ông Kluge- Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO cho biết, châu Âu là khu vực ấm lên với tốc độ nhanh nhất trên thế giới, nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua. Theo ông Kluge, WHO dự định sử dụng quyền “tập thể của các nước thành viên WTO để đưa vấn đề y tế vào bất kỳ kế hoạch nào ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ông Kluge nhấn mạnh, điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngan-chan-toc-do-am-len-o-chau-au-5701697.html