Ngăn chặn trốn thuế qua phân tích rủi ro sử dụng hóa đơn điện tử
Việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc được đánh giá đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách, thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống thu lợi bất chính. Trước các hành vi vi phạm pháp luật thuế ngày càng tinh vi, ngành Thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phân tích rủi ro trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử để ngăn chặn tội phạm.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong việc quản lý tuân thủ của người nộp thuế (NNT), công tác quản lý rủi ro (QLRR) có vai trò rất quan trọng. QLRR nhằm xác định đối tượng có rủi ro cao về gian lận thuế, trốn thuế để tập trung nguồn lực quản lý vào những đối tượng này, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình quản lý tuân thủ tổng thể có hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” được tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.
Phối hợp thu thập, trao đổi thông tin về người nộp thuế
Ngành Thuế đã tích cực phối hợp với các cơ quan tổ chức ngoài Tổng cục Thuế như: Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại, cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác để thực hiện thu thập, trao đổi thông tin về người nộp thuế, tích hợp dữ liệu thu thập từ bên ngoài với dữ liệu quản lý thuế, đảm bảo an toàn bảo mật để từng bước xây dựng CSDL quốc gia về người nộp thuế phục vụ phân tích rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế.
Cùng với đó, ngành Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; tổ chức thu thập dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đối soát dữ liệu lớn với HĐĐT, xây dựng chức năng cảnh báo ngưỡng chặn xuất hóa đơn và bước đầu nghiên cứu, áp dụng công nghệ AI vào phân tích dữ liệu HĐĐT để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...).
Đồng thời, bám sát chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Thuế đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quản lý thuế tích hợp, xử lý tập trung, có kiến trúc tổng thể, hiện đại, lưu giữ CSDL về NNT, có khả năng mở rộng đáp ứng quản lý các sắc thuế, mô hình quản lý thuế theo cơ chế QLRR. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế đã áp dụng các công nghệ hiện đại về phân tích dữ liệu Big Data, áp dụng công nghệ AI..., để xử lý tập trung dữ liệu về NNT, phục vụ công tác QLRR đối với các NNT có mức độ rủi ro cao.
Điều đó giúp ngành Thuế tập trung nguồn lực tại các chức năng quản lý thuế trọng yếu có liên quan đến việc sử dụng HĐĐT của NNT như đăng ký thuế, kê khai thuế, hoàn thuế, thanh tra - kiểm tra thuế..., nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp sai sót, gian lận thuế, trốn thuế, hạn chế hành vi không tuân thủ pháp luật thuế của NNT.
Nổi bật nhất là việc ngành Thuế đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống ứng dụng HĐĐT hiện đại, an toàn, bảo mật cao, có thể xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn khoảng 6,4 tỷ HĐĐT mỗi năm; đảm bảo việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc hoạt động ổn định, thông suốt, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT.
Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro tuân thủ đem lại nhiều lợi ích
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ kết quả việc đối chiếu dữ liệu HĐĐT và số liệu NNT kê khai trên tờ khai thuế GTGT tự động trên ứng dụng, cơ quan thuế các cấp thực hiện rà soát việc kê khai thuế GTGT đối với các NNT có rủi ro cao về kê khai thiếu số thuế thực tế phát sinh. Kết quả số thuế NNT kê khai bổ sung trên tờ khai thuế GTGT đã tăng hàng ngàn tỷ đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thuế, nhìn chung, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế dựa trên nền tảng CNTT hiện đại đã góp phần tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật, giúp NNT đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho NNT đồng thời nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT; hạn chế tối đa vai trò can thiệp của công chức thuế trong quản lý thuế, giảm chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Thuế; giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc ngành Thuế bước đầu áp dụng thành công cơ chế quản lý tuân thủ thông qua xây dựng CSDL và phân tích rủi ro HĐĐT đã đi đúng xu thế phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế, đem lại lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với NNT và các tổ chức, cơ quan liên quan; đã được Chính phủ, người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao; góp phần tích cực thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan thuế cũng như trong các cơ quan nhà nước khác./.