Ngân hàng chạy nước rút xác thực vân tay, khuôn mặt khách hàng

Những ngày gần đây, hàng loạt ngân hàng gửi thông báo thúc giục các khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học vân tay, khuôn mặt trước ngày 1/7/2024.

Nhà băng ồ ạt thúc giục khách hàng

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (Quyết định số 2345) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7 chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, đến thời điểm hiện tại, một loạt ngân hàng đã triển khai các giải pháp: Thông báo, thúc giục khách hàng cài đặt và xác thực sinh trắc học trên ngân hàng số để tránh gián đoạn giao dịch giá trị lớn trong thời gian tới.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, tuân thủ Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng triển khai tăng cường xác thực giao dịch trên ứng dụng VPBank NEO sử dụng Smart OTP kết hợp với dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt được lưu trong căn cước công dân gắn chip.

Giao dịch trên VPBank NEO áp dụng giải pháp này bao gồm: Chuyển khoản/ví điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày; Giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán từ 100 triệu đồng/giao dịch; chuyển tiền quốc tế; chuyển tiền theo lô; giao dịch lần đầu qua ứng dụng VPBank NEO hoặc khi thay đổi thiết bị đăng nhập tài khoản VPBank NEO.

VPBank khuyến cáo, để tránh giá đoạn giao dịch, khách hàng chủ động cập nhật thông tin tài khoản theo căn cước công dân gắn chip trước 1/7/2024. Ngoài ra, khách hàng chuyển đổi phương thức nhận mã OTP sang Smart OTP, đảm bảo điện thoại đang sử dụng có chức năng NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn).

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng giải pháp bảo mật tài khoản ngân hàng gồm: Tính năng cảnh báo và xác thực đăng nhập dịch vụ ngân hàng số trên trình duyệt/thiết bị mới. Bên cạnh đó, hệ thống tự động khóa phương thức xác thực khi khách hàng đăng nhập vào ứng dụng ACB ONE chính thức phiên bản 3.22.0 nếu trên thiết bị điện thoại của khách hàng có ứng dụng lạ và đang bật quyền Accessibility (quyền trợ năng).

Ngân hàng này cũng triển khai hệ thống giám sát và phát hiện gian lận, có bộ rule để phát hiện và cộng điểm rủi ro cho các hành vi bất thường; khóa quyền truy cập ACB ONE trong trường hợp khách hàng sau 5 lần đăng nhập liên tiếp không thành công.

“Chúng tôi cũng rà soát, cập nhật, xác minh thông tin của khách hàng theo định kỳ hoặc đột xuất. Nếu kết quả rà soát và phát hiện có nguy cơ rủi ro về gian lận lừa đảo, chúng tôi sẽ tạm ngưng cung cấp một số tính năng hay toàn bộ dịch vụ ngân hàng số” - lãnh đạo ACB thông tin.

Mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả kênh

Mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả kênh

Đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ, nếu khách hàng chưa có hoặc bị mất căn cước công dân gắn chip sẽ không có cơ sở để thu thập dữ liệu. Theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), có 87 triệu căn cước công dân gắn chip cấp cho công dân trong nước, vì thế rất ít trường hợp chưa có.

“Tuy nhiên, để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn, ngân hàng khuyến nghị khách hàng nếu chưa được cấp hoặc làm mất căn cước công dân gắn chip cần chủ động cập nhật, làm lại giấy tờ” - đại diện TPBank khuyến nghị.

Sau gần một tháng triển khai, TPBank cho biết, mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả kênh. Trong đó, hơn 80% số này do khách hàng chủ động thực hiện trên ứng dụng của ngân hàng. “Chúng tôi tin tưởng sẽ phủ được hầu hết lượng khách hàng phát sinh giao dịch lớn trên kênh điện tử trước 1/7” - đại diện TPBank chia sẻ.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - cũng cho hay, đã có khoảng vài trăm nghìn khách hàng chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng nhà băng. Từ đầu tháng 6, ngân hàng sẽ gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).

Còn nhiều lo ngại

Bà Dương Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Vidiva - sở hữu ví điện tử Ting - cũng cho hay, công ty đã sẵn sàng về mặt hệ thống. Dự kiến tới cuối tháng 5, ví điện tử này áp dụng với người dùng mới khi đăng ký lần đầu và tới giữa tháng 6 thông báo chính thức tới khách hàng hiện hữu.

Trên thực tế, một số người dùng lâu nay đã sử dụng tính năng xác thực vân tay trên điện thoại khi đăng nhập hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Tuy nhiên, bà Dương Mai Anh cho biết, người dùng cần phân biệt giữa sinh trắc học thiết bị với sinh trắc học dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia. Tính năng sinh trắc học thiết bị về bản chất là do xác thực của hệ điều hành điện thoại, sau đó truyền tín hiệu cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Trong khi đó, việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 phải dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an cung cấp hoặc qua VNEID (đang thí điểm).

Nếu gặp khó khăn trong việc tự xác thực ở nhà, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy

Nếu gặp khó khăn trong việc tự xác thực ở nhà, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy

Theo đó, để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định số 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm ba bước: chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt. Ngoài ra, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy, nếu gặp khó khăn trong việc tự xác thực ở nhà.

“Với nhóm khách hàng nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có Quyết định 718, hướng dẫn. Theo đó, khách hàng nước ngoài có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học của khách hàng vào kho dữ liệu” - đại diện TPBank cho biết.

Hiện, điểm chung khiến các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở khâu chạm căn cước công dân vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện tại, mỗi điện thoại, đặc biệt là dòng Android có các vị trí chip khác nhau.

Giám đốc Vidiva chia sẻ, người dùng có thể lúng túng trong việc xác định vị trí chip trên căn cước công dân và vị trí chip trên điện thoại. Trên căn cước công dân, chip thường nằm ở vị trí dấu mộc đỏ. Còn mỗi điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại. Lời khuyên theo bà Mai Anh, khách hàng nên di chuyển căn cước công dân lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.

Được biết, trên thị trường hiện nay, có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC. Chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ khách hàng sử dụng các thiết bị này nhưng đây cũng là một trở ngại với nhóm khách của ví điện tử. “Chủ tài khoản ngân hàng vẫn được hỗ trợ bằng cách ra trực tiếp chi nhánh để được xác thực lần đầu. Còn với các ví điện tử với mạng lưới chi nhánh, văn phòng hạn chế, đây là vướng mắc với họ” - bà Mai Anh nói.

Trước đó, tại hội thảo về thẻ tín dụng nội địa vừa được tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Phạm Tiến Dũng - cho biết, từ ngày 1/7 các ngân hàng phải áp dụng chính sách các giao dịch trên 10 triệu đồng phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu hoặc con chip điện tử do Bộ Công an cấp.

“Mục tiêu là để phòng ngừa việc thuê - mượn tài khoản. Qua việc kiểm tra này, người mở tài khoản cũng phải kiểm tra lại thông tin. Hay nói cách khác, những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần” - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Giải thích lý do chọn hạn mức giao dịch phải xác thực sinh trắc học là 10 triệu đồng, Phó Thống đốc cho biết, qua rà soát giao dịch của người dùng có tới 70% tổng lượng giao dịch là dưới 1 triệu đồng, giao dịch trên 10 triệu đồng/lần chiếm không nhiều.

“Chúng ta cũng không bắt người dân là mua một chai nước, mua vé xe buýt là phải kiểm tra sinh trắc học. Nên việc quy định ngưỡng phải xác thực khuôn mặt không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Mục đích duy nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng” - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói và cho biết từ ngày 1/7, khi cài thông tin người dùng sang thiết bị khác cũng phải xác thực sinh trắc học lại. Khi kẻ gian ăn cắp được thông tin đó, việc cài sang thiết bị khác cũng yêu cầu người sử dụng phải chính chủ.

Hoàng Lan - Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-chay-nuoc-rut-xac-thuc-van-tay-khuon-mat-khach-hang-322824.html