Ngân hàng Chính sách Đồng Nai đồng hành cùng chính quyền hai cấp vùng biên
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong việc đưa nguồn vốn chính sách đến gần hơn với người dân, đặc biệt tại các xã biên giới, sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Điều này đã góp phần đảm bảo dòng vốn ưu đãi không bị gián đoạn, kịp thời hỗ trợ người dân vươn lên từ khó khăn.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập (trước đây thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cũ) đã nhanh chóng vào cuộc, tổ chức phiên giao dịch đầu tiên tại các đơn vị hành chính mới là xã Đa Kia, Phú Nghĩa và Đắk Ơ; qua đó, duy trì hệ thống tín dụng chính sách hiệu quả, với phương châm “phục vụ tại nhà giải ngân, thu nợ tại xã”.
Phát huy hiệu quả

Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập thực hiện giao dịch tại xã Đa Kia.
Tại xã Đa Kia, được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ ba xã Phước Minh, Bình Thắng và Đa Kia, dư nợ tín dụng chính sách xã hội tính đến ngày 30/6/2025 đạt trên 190.605 triệu đồng, với 61 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, tổng cộng 3.131 khách hàng.
Các chương trình tín dụng khá đa dạng, bao gồm cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cùng với cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập đã thực hiện thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi của khách hàng và giải ngân 590 triệu đồng cho 13 khách hàng. Nguồn vốn này được sử dụng để đầu tư làm mới công trình nước sạch, xây dựng công trình vệ sinh và đầu tư trồng, chăm sóc cây cao su, cây điều… kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn xã.
Nhiều hộ gia đình đã "đổi đời" nhờ nguồn vốn chính sách trong thời gian qua. Điển hình là hộ gia đình chị Đặng Thị Hồng (dân tộc Hoa, thôn Bình Giai, xã Đa Kia), vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư chăm sóc sầu riêng. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá giả trong thôn. Chị Hồng xúc động cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, mà gia đình tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, tăng thu nhập. Cuộc sống hiện nay đã thay đổi rất nhiều, không còn phải lo trước, lo sau nữa”.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập thực hiện giao dịch tại xã Phú Nghĩa.
Còn tại xã Phú Nghĩa (là xã sáp nhập từ Phú Nghĩa, Đức Hạnh và Phú Văn), ông Điểu A Nam, dân tộc S'tiêng, đã vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay đối với người chấp hành án phạt tù. Một mình nuôi 3 con nhỏ, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp ông Nam tái hòa nhập cộng đồng, cải tạo 3,5 ha vườn cây điều và cây cao su, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện cuộc sống.
Ông Nam phấn khởi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định hơn. Tôi rất biết ơn Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện vay vốn làm ăn”.
Ông Điểu Bình, Tổ trưởng Tiết kiệm và Vay vốn Đội 3, thôn Khắc Khoan (xã Phú Nghĩa) rất phấn khởi cho biết: “Những năm qua, người dân Đội 3, Khắc Khoan đã và đang được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai. Các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Với sự nhiệt tình và tâm huyết của Ban quản lý tổ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nước sinh hoạt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng”.
Đưa chính sách sát dân
Sau khi chính quyền hai cấp đi vào vận hành, ông Đặng Hữu Khoái, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đa Kia đã chỉ đạo các tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo người dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, ông Khoái nhấn mạnh.

Người dân tìm hiểu quy định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại UBND xã Đa Kia.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập đã nỗ lực duy trì hệ thống tín dụng chính sách, với phương châm “phục vụ tại nhà giải ngân, thu nợ tại xã”, nhằm đảm bảo hoạt động luôn thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Mạng lưới điểm giao dịch và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn được duy trì để đưa chính sách gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Bà Vũ Thị Minh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập cho biết: Việc tổ chức phiên giao dịch tại địa điểm mới sau khi sáp nhập xã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong phục vụ, đảm bảo người dân không bị gián đoạn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, duy trì hệ thống tín dụng chính sách, mạng lưới điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn “gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân” đảm bảo hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
“Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn cho vay, đồng thời phối hợp với địa phương nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với đặc thù từng vùng, từng đối tượng, từng ngành nghề sản xuất để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả cho người vay vốn, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả”, bà Minh nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, theo bà Minh, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về các chính sách tín dụng ưu đãi để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu rõ và tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng nhất. Các hình thức tuyên truyền sẽ được đa dạng hóa, phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán của từng dân tộc, nhằm giúp bà con nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc vay vốn để tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.